.

Thế giới tìm giải pháp chống IS

.

Các ngoại trưởng của 21 nước thuộc liên minh quốc tế nhóm họp tại thủ đô London của Anh vào ngày 22-1 để tìm giải pháp chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của liên quân tại thành phố Kobane, Syria vào tháng 11-2014.  					  Ảnh: AFP
Khói bốc lên sau một cuộc không kích của liên quân tại thành phố Kobane, Syria vào tháng 11-2014. Ảnh: AFP

Kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Pháp làm 17 người chết, đây là lần đầu tiên liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhóm họp. Hội nghị do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Anh Philip Hammond chủ trì, đặt ra vấn đề: các nước cần đoàn kết với quyết tâm lớn hơn trong việc tìm giải pháp lâu dài chống lại các mối đe dọa từ IS.

Trước khi rời Washington để đến London, Ngoại trưởng Kerry nói rằng, quyết tâm chống IS của các nước trong liên minh đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết mặc dù bạo lực do những kẻ cực đoan gây ra nhằm chia rẽ liên minh. “Nhưng thực chất, hành động của chúng tạo hiệu quả ngược lại: làm chúng ta sát cánh bên nhau với quyết tâm lớn hơn”, ông Kerry nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Hammond cho rằng, liên minh có thể mất 2 năm để trục xuất IS ra khỏi Iraq và các nước cần nỗ lực hơn nữa, cụ thể là tìm ra giải pháp để ngăn chặn việc IS chiêu mộ chiến binh, đồng thời cắt nguồn viện trợ cho tổ chức này…

Không những thế, liên minh sẽ xem xét việc hỗ trợ quân sự cho việc chống lại IS và cả viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân trong cuộc chiến. “Nhiệm vụ này không thể thực hiện trong 3 tháng hoặc 6 tháng mà phải mất 1 năm, 2 năm mới đẩy lùi được IS ra khỏi Iraq”, ông Hammond nói.

Reuters cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khẳng định các cuộc không kích của liên quân nhằm vào các mục tiêu IS đang mang lại hiệu quả. “Thay vì bị cuốn vào một cuộc chiến trên bộ ở Trung Đông, chúng tôi đang dẫn đầu một liên minh, trong đó có các nước Arab, làm suy giảm và cuối cùng là tiêu diệt nhóm khủng bố này (IS)”, ông Obama nói.

Đích thân tham dự cuộc họp, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron và nói về việc chính phủ của ông đã chống IS như thế nào. Ông Abadi muốn liên minh tập trung huấn luyện và trang bị cho binh sĩ Iraq thực hiện các cuộc không kích. Ngoại trưởng Anh ca ngợi quân đội Iraq và cho biết, liên quân đang hỗ trợ xây dựng lực lượng này nhưng tiến trình vẫn diễn ra chậm.

Theo giới phân tích, các cuộc tấn công gần đây do các chiến binh Hồi giáo thực hiện ở Pháp tạo ra áp lực chính trị lớn hơn đối với các chính phủ cũng như làm dấy lên quan ngại việc các chiến binh được đào tạo từ nước ngoài trở về để thực hiện các vụ tấn công ở trong nước.

Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) ước tính có đến 5.000 công dân thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến Syria và Iraq để tham gia nhóm chiến binh. Trong đó, hàng ngàn người đã từ các quốc gia Arab và Hồi giáo trở về nước.

Pháp hiện theo dõi khoảng 3.000 người liên quan đến mạng lưới khủng bố, nhất là khi số công dân nước này liên hệ với các mạng lưới cực đoan ở Iraq và Syria được cho là gia tăng 130% vào năm 2014. Còn tại Bỉ, các nhà chức trách vẫn đang truy lùng hai người đàn ông bị nghi ngờ đã hỗ trợ một trong những tay súng Hồi giáo thực hiện vụ tấn công ở Paris vừa qua.  

Theo AFP, các nước tham dự cuộc họp tại London còn có Úc, Bahrain, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Iraq, Ý, Jordan, Kuwait, Hà Lan, Na Uy, Qatar, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Lần mới nhất liên minh này nhóm họp vào tháng 12-2014 tại Brussels (Bỉ).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.