.

Vụ tấn công tuần báo Charlie Hebdo: Al-Qaeda là thủ phạm

.

Chi nhánh Al-Qaeda tại Yemen tuyên bố rằng, họ đã trả thù việc tuần báo Charlie Hebdo của Pháp đăng tải những bức tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammed.

Người Pháp xếp hàng mua ấn bản của báo Charlie Hebdo tại Paris.        Ảnh: AP
Người Pháp xếp hàng mua ấn bản của báo Charlie Hebdo tại Paris. Ảnh: AP

Al-Qaeda tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công gây chấn động nước Pháp và thế giới - vụ tấn công tuần báo châm biếm Charlie Hebdo làm 12 người chết. Vụ thảm sát kinh hoàng ở tuần báo này mở đầu cho 3 ngày tang thương trên đất Pháp với 2 vụ bắt cóc con tin sau đó, cướp thêm sinh mạng của 5 người khác.

“Mối đe dọa vẫn đang rất nghiêm trọng”

Trong một đoạn video dài 11 phút trên YouTube, Nasser bin Ali al-Ansi, một trong những thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda khẳng định: “Tổ chức Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) nhận trách nhiệm về hoạt động tấn công như sự trả thù cho người truyền giáo của Thánh Allah”. Theo Ansi - “nhà tư tưởng chính” của AQAP, việc các chiến binh trả thù là “thông điệp rõ ràng nhất cho bất kỳ kẻ nào dám tấn công vào những điều linh thiêng của Hồi giáo”.

Không những thế, Ansi còn khẳng định cuộc tấn công được thực hiện theo lệnh của Ayman Zawahiri, tư lệnh toàn cầu của Al-Qaeda. Theo đó, chính ban lãnh đạo AQAP đã chọn mục tiêu, lên kế hoạch và cung cấp tài chính cho kế hoạch trả thù. Ansi cũng nói rằng, hai anh em nhà Kouachi - những kẻ đã thực hiện các vụ tấn công - là “những người hùng”.

AP cho biết, trong đoạn video, Ansi buộc tội Pháp khi cho rằng, nước này đã “chia sẻ tất cả tội ác của Mỹ” chống lại người Hồi giáo. Điều đáng nói là kẻ này còn cảnh báo sẽ có thêm “những bi kịch và khủng bố” trong tương lai.

AQAP được thành lập vào tháng 1-2009 sau khi sáp nhập các chi nhánh của Al-Qaeda ở Yemen và Saudi Arabia. Đứng đầu AQAP là Nasser al-Wuhayshi. Mỹ xem đây là chi nhánh nguy hiểm nhất trong mạng lưới Al-Qaeda và cho rằng, nhóm này thực hiện hàng loạt vụ đánh bom không thành công chống lại các mục tiêu Mỹ. Washington cũng đã tiến hành chiến dịch dùng máy bay không người lái để tiêu diệt các thủ lĩnh của nhóm.

Cảnh báo của Ansi có thể làm dấy lên mối quan ngại đối với châu Âu. Trong khi đó, điều phối viên chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) Gilles de Kerchove lại cho rằng, không có cách nào khác để ngăn ngừa tuyệt đối những vụ tấn công khủng bố tương tự các vụ việc vừa xảy ra ở Pháp.

Theo ông Kerchove, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành ở Iraq và Syria từng tuyên bố muốn tấn công các mục tiêu phương Tây. Đồng thời, Al-Qaeda, tổ chức khủng bố khét tiếng một thời nay đang suy yếu nhưng cũng là lực lượng đáng để e ngại. “Mối đe dọa vẫn đang rất nghiêm trọng”, hãng AP dẫn lời ông Kerchove nhấn mạnh.

Ấn bản của Charlie Hebdo gây sốt

Với những gì vừa xảy ra và trong lúc người dân Pháp vẫn chưa hết bàng hoàng, ấn bản của tuần báo Charlie Hebdo thu hút sự chú ý đặc biệt ở quốc gia này.

Theo Reuters, tuần báo này vừa phát hành 3 triệu bản, vượt xa so với con số thông thường là 60.000 bản. Và tại nhiều khu vực ở thủ đô Paris, ngay từ sáng sớm 14-1, người dân phải xếp hàng trước nhiều ki-ốt mua báo.

David Sullo, một người dân ở Paris, nói rằng anh chưa từng thấy điều này, bản thân anh cũng muốn mua báo và ủng hộ sự tự do ngôn luận.

Trang nhất của báo Charlie Hebdo vẫn có hình ảnh biếm họa đấng tiên tri Mohammed rơi nước mắt với dòng chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) bên dưới tít đề “Tout est pardonné” (Tất cả được tha thứ).

Tuy nhiên, Iran cho rằng, trang nhất của tờ Charlie Hebdo ngày 14-1 mang tính khiêu khích. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham, hình ảnh mới được đăng tải là sự xúc phạm Hồi giáo và đấng tiên tri Mohammed. Song, Tehran vẫn chỉ trích mạnh mẽ các vụ tấn công nhằm vào tuần báo Charlie Hebdo.

Kết quả khảo sát do tổ chức Chiến dịch chống chủ nghĩa bài Do Thái (CAA) công bố ngày 14-1 cho thấy, gần 1/2 số người Do Thái ở Anh quan ngại rằng, họ sẽ không có tương lai lâu dài ở Anh và ở châu Âu. Cụ thể, có 45% số người được hỏi nói rằng, người Do Thái có thể không có tương lai tại Anh và 58% số người lo lắng về tương lai khi họ sống ở châu Âu. 1/4 số người cho biết, trong 2 năm gần đây, họ từng nghĩ đến việc rời khỏi Anh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.