.

Mỹ chưa đưa vũ khí sang Ukraine

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định hoãn việc đưa ra quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho đến khi những nỗ lực do Đức dẫn đầu mang lại sự đột phá đối với vấn đề hòa bình ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.

Thành phố cảng Mariupol do quân chính phủ Ukraine kiểm soát nằm ở vị trí chiến lược. 			 Ảnh: AP
Thành phố cảng Mariupol do quân chính phủ Ukraine kiểm soát nằm ở vị trí chiến lược. Ảnh: AP

Gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 10-2, Tổng thống Barack Obama bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Berlin có thể đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc kết thúc cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 10 tháng qua ở Ukraine.

Mỹ cho rằng, các biện pháp trừng phạt và việc giá dầu thô giảm đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nga nhưng không làm Điện Kremlin ngừng ủng hộ lực lượng ly khai ở đông Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn kiên quyết bác bỏ việc hậu thuẫn cho phe ly khai.

Theo AFP, Tổng thống Mỹ cũng muốn hướng đến một giải pháp ngoại giao mặc dù ông không chắc chắn giải pháp này sẽ thành công hay không. Ông Obama khẳng định các biện pháp trừng phạt và sự hỗ trợ bằng cách cung cấp vũ khí gây chết người đang được đặt trên bàn nghị sự nhưng chưa có quyết định chính thức về vấn đề này.  

Bà Merkel vốn phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Với quan điểm ôn hòa, bà Merkel cảnh báo động thái này sẽ làm dấy lên một cuộc chiến tranh mà Ukraine không thể giành chiến thắng khi chống lại lực lượng thân Nga đông đảo hơn và được trang bị tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả Thủ tướng Đức khi có mặt tại Washington để hội đàm với Tổng thống Obama cũng không bảo đảm về thành công của một thỏa thuận ngừng bắn được ký kết với Tổng thống Putin.

“Chúng tôi không bảo đảm việc này”, bà Merkel nói. Chi tiết về “sáng kiến hòa bình Pháp - Đức” cũng như thỏa thuận ngừng bắn sẽ được đề cập tại cuộc họp 4 bên: Ukraine, Nga, Đức và Pháp vào hôm nay (11-2) tại thủ đô Minsk của Belarus.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Mátxcơva sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, bất chấp những áp lực mà ông gọi là “môi trường quốc tế đang thách thức hôm nay”.

Trong bức điện gửi các nhà ngoại giao, Tổng thống Putin nêu rõ: “Liên bang Nga dù bị bao nhiêu sức ép nhưng sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập nhằm ủng hộ những lợi ích cơ bản của người dân và phù hợp với an ninh, ổn định toàn cầu”.

Ông Nikolai Patrushev, người đứng đầu Hội đồng An ninh của Điện Kremlin, cũng nhấn mạnh điều này. Ông nói rằng, nếu Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine, Nga sẽ phản ứng ngoại giao. “Nếu họ cung cấp vũ khí thì điều này sẽ làm leo thang cuộc xung đột”, hãng Itar-Tass dẫn lời ông Patrushev nói.

Phía Ba Lan cũng tuyên bố chưa đưa vũ khí đến Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak, cung cấp vũ khí cho Kiev là phương án cuối cùng nhưng cần tránh sử dụng biện pháp này vì nó có nguy cơ làm leo thang cuộc xung đột.

Song, ông Siemoniak bày tỏ sự hoài nghi về khả năng thành công của đàm phán 4 bên, nhất là khi các cuộc giao tranh vẫn diễn ra, cụ thể là ngày 10-2, lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine tiến hành cuộc tấn công nhằm vào phe ly khai gần thành phố cảng chiến lược Mariupol ở miền đông nam nước này.

Còn lực lượng ly khai tuyên bố đã bao vây và cô lập quân chính phủ ở thị trấn huyết mạch Debaltseve. Mất Debaltseve sẽ là đòn nặng giáng vào nền kinh tế Ukraine bởi thị trấn này kiểm soát tuyến đường xe lửa huyết mạch chở than đá - nguyên liệu sống còn với ngành điện lực và sản xuất thép của Kiev. Hơn nữa, nếu có được Debaltseve, quân ly khai có thể đưa vũ khí hạng nặng vào sâu bên trong lãnh thổ Ukraine dễ dàng hơn.

AP cho biết, ngày 10-2, khoảng 600 binh sĩ Nga bắt đầu tập trận tại Crimea, bán đảo được sáp nhập vào Nga từ tháng 3 năm ngoái. Cuộc tập trận diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên tại Belarus. Theo đó, diễn tập sẽ kéo dài một tháng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.