.
NHÀ BÁO KENJI GOTO BỊ IS HÀNH QUYẾT

Nước Nhật đau đớn

.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đăng một đoạn video tuyên bố đã hành quyết nhà báo người Nhật Bản Kenji Goto. Như vậy, hai con tin của nước này đều bị IS hành quyết.

Trả lời báo giới tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông đau đớn và cảm thấy phẫn nộ khi IS hành quyết nhà báo Kenji Goto.  				  Ảnh: AFP
Trả lời báo giới tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông đau đớn và cảm thấy phẫn nộ khi IS hành quyết nhà báo Kenji Goto. Ảnh: AFP

Với người Nhật Bản, thông tin đến vào sáng 1-2 thật sự gây sốc bởi nhà báo tự do 47 tuổi Kenji Goto là công dân thứ hai của xứ sở hoa anh đào này bị IS chặt đầu chỉ trong một tuần.

Trong đoạn video là cảnh một chiến binh trùm đầu cầm một con dao kề vào cổ Goto, tiếp theo là hình ảnh một thi thể với chiếc đầu đặt phía trên. Chiến binh này nói rằng, vụ hành quyết Goto là hệ quả từ những quyết định liều lĩnh của chính phủ Shinzo Abe và sẽ khởi đầu cho “cơn ác mộng Nhật Bản”.

Không tha thứ cho khủng bố

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông “đau nghẹt thở” và cảm thấy phẫn nộ. Ông gọi vụ hành quyết là hành động “ghê tởm và đáng khinh bỉ”, đồng thời tuyên bố “sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc chiến chống khủng bố”.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ khủng bố và chúng ta sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để chúng phải trả giá cho những tội lỗi của mình. Nhật Bản không bao giờ nhượng bộ khủng bố”, ông Abe nói. Nhà lãnh đạo này cũng cho biết, chính phủ của ông đã tìm mọi cách để cứu Goto nhưng đã thất bại.

Vụ hành quyết vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. “Hành động giết người ghê tởm, tàn bạo” là những từ ngữ được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande mô tả. Ông Obama cũng bày tỏ tình đoàn kết với Nhật Bản. Trong khi đó, theo Thủ tướng Anh David Cameron, vụ việc cho thấy IS là hiện thân của cái ác và không quan tâm đến sinh mạng con người.

Còn bà Junko Ishido, mẹ của Goto, không thốt nên lời trước cái chết của con trai. “Thật quá thương tâm, Kenji đã ra đi”, bà Junko nghẹn  ngào nói với các nhà báo. Ông Shoichi Yukawa, cha của Goto, không ngăn được nước mắt. Gia đình Goto đã ngày đêm cầu nguyện và hy vọng anh sớm trở về. Vì vậy, giờ đây họ mang nỗi đau đến thắt lòng. “Tôi hy vọng Goto trở về và cảm ơn mọi người đã cứu mình. Nhưng điều này là không thể và tôi vô cùng thất vọng”, Junichi Goto, anh của Goto nói.

Theo gia đình và bạn bè của Goto, anh đến Syria vào tháng 10 năm ngoái để tìm cách cứu Haruna Yukawa, người bị bắt giữ vào tháng 8-2014 và mới đây đã bị hành quyết. Song, theo CNN, Goto đến Syria để kể những câu chuyện về những con người có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Anh từng nhiều lần nhấn mạnh mình không phải là phóng viên chiến trường. Tuy nhiên, thay vì kể về những con người bình thường, anh muốn đến các trại tị nạn, trại trẻ mồ côi và kể những câu chuyện về những đứa trẻ sống trong bạo lực, nghèo đói và những cơn ác mộng.

Năm 2005, anh viết cuốn sách về trẻ em ở Sierra Leone với tựa đề We Want Peace, Not Diamonds (tạm dịch: Chúng tôi muốn hòa bình, không muốn kim cương). Cũng chính vì điều này, Goto phải chịu số phận khủng khiếp: là người nước ngoài mới nhất bị IS hành quyết.

“Cơn ác mộng của Nhật Bản bắt đầu”

Các nhà phân tích cho rằng, lúc này, Nhật Bản đang bị cuốn ngày càng sâu vào cuộc cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu chống IS. Không như Mỹ, Anh và các đồng minh khác, Nhật Bản vốn không liên quan đến chiến dịch quân sự chống IS. Song, Tokyo đang viện trợ nhân đạo ở Trung Đông trong lúc nhóm chiến binh tiếp tục gây ra các vụ đẫm máu để củng cố tổ chức của mình trên khắp Iraq và Syria.

Điều làm người dân Nhật Bản lo sợ là nước này bắt đầu trở thành mục tiêu của khủng bố. Thông điệp mà IS đưa ra là nhóm này hành quyết Goto vì “quyết định liều lĩnh (của chính phủ Nhật) tham gia một cuộc chiến mà không thể giành thắng lợi”. “Hãy để cơn ác mộng với Nhật Bản bắt đầu”, chiến binh thực hiện việc hành quyết Goto nói trong đoạn video. IS trước đó đã đòi 200 triệu USD tiền chuộc Goto và Yukawa. Đây cũng là số tiền mà Tokyo viện trợ nhân đạo cho các nước Trung Đông đối phó với khủng bố.

Ngày 1-2, phát biểu tại cuộc họp nội các khẩn cấp, Thủ tướng Abe khẳng định Tokyo quyết tâm lãnh trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế để chiến đấu với khủng bố. Theo đó, Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động nhân đạo như: cung cấp lương thực và thuốc men thông qua sự hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Abe cũng yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho người Nhật ở trong và ngoài nước.

Thủ tướng Abe đang nỗ lực thúc đẩy vai trò quân sự của Nhật Bản đối với thế giới, trong đó có việc diễn giải lại Hiến pháp hòa bình sau Thế chiến thứ hai. Câu hỏi đặt ra là với chính sách này, Nhật Bản có gặp rủi ro không. Theo các nhà phân tích, còn quá sớm để dự đoán về tác động của cuộc khủng hoảng con tin đối với chính sách của chính phủ.  

Jordan quyết cứu phi công Kassasbeh

AP cho biết, thất bại trong việc cứu Goto làm gia tăng quan ngại về số phận của phi công người Jordan Mu’ath al-Kaseasbeh. Người phát ngôn của chính phủ Jordan Mohammed al-Momeni nói với hãng thông tấn Petra rằng, nước này cam kết làm tất cả những gì có thể để cứu con tin.

IS hiện yêu cầu phóng thích nữ đánh bom khủng bố người Iraq Sajida al-Rishawi để đổi lấy Kaseasbeh. Jordan tuyên bố sẵn sàng chấp nhận việc trao đổi này với điều kiện phải cung cấp chứng cứ cho thấy viên phi công vẫn còn sống. Kaseasbeh bị IS bắt vào tháng 11 năm ngoái khi máy bay F-16 của anh rơi gần thành phố Raqqa của Syria.

Là đồng minh của phương Tây, Jordan tham gia liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu thực hiện các cuộc không kích chống IS.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.