Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel mang theo một sáng kiến hòa bình ở Ukraine đến Kiev vào ngày 5-2 và đến Mátxcơva vào ngày 6-2.
Một phụ nữ than khóc bên cạnh thi thể con trai thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Tekstilshik thuộc khu vực Donetsk, đông Ukraine. Ảnh: AFP |
AP cho biết, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức hiện diện ở Kiev và Mátxcơva trong lúc các bên đang thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc “cuộc chiến tranh bên bờ vực châu Âu”, như cách gọi của Tổng thống Francois Hollande. Theo Liên Hợp Quốc, xung đột ở đông Ukraine kể từ khi diễn ra vào tháng 4 năm ngoái đến nay đã làm gần 5.400 người chết, riêng trong 3 tuần qua có khoảng 220 người chết.
Gìn giữ hòa bình
Sáng kiến hòa bình mới mà Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel đưa ra ở Kiev và Mátxcơva được hai nước này cho là “dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Ông Hollande khẳng định Pháp và Đức đang nỗ lực đề xuất sáng kiến gìn giữ hòa bình tại Ukraine nhưng Paris không ủng hộ Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Còn bà Merkel tuyên bố không có giải pháp quân sự nào cho cuộc khủng hoảng này và Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây sẽ là lần đầu tiên bà Merkel đến Mátxcơva kể từ khi cuộc xung đột ở đông Ukraine bùng phát.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier xác nhận châu Âu sẽ thúc đẩy giải pháp đàm phán ở đông Ukraine sau khi bạo lực leo thang với các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ Kiev và lực lượng nổi dậy thân Nga. Điều mà Đức hướng đến cũng là kết thúc bạo lực và ông Steinmeier nói rằng, đây là trách nhiệm mà quốc gia này phải đảm đương. Song, ông không đề cập chi tiết về sáng kiến ngoại giao mới khi những nỗ lực trung gian trước đó đều thất bại. Vị quan chức này đáp chuyến bay đến Ba Lan vào tối 5-2 để bàn thảo về vấn đề Ukraine.
Sự kiện đáng chú ý trong ngày 5-2 là việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ukraine trong lúc các nhà lãnh đạo thân phương Tây của nước này kỳ vọng Washington sẽ cung cấp vũ khí để chống lại lực lượng ly khai thân Nga. Ông Kerry gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Petro Poroshenko, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và Ngoại trưởng Pavlo Klimkin trước thềm Hội nghị an ninh ở Munich (Đức) vào hôm nay (6-2). Và tại Hội nghị Munich, ông Kerry sẽ gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
Theo AP, Ngoại trưởng Kerry có mặt ở Kiev nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ Ukraine, đồng thời mang theo cam kết viện trợ nhân đạo 16,4 triệu USD cho quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ đang đối mặt với nguy cơ phá sản và các hệ lụy nặng nề do chiến tranh. Hơn hết, điều mà nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ mong muốn là bàn thảo với các quan chức Ukraine sáng kiến mới để thúc đẩy việc ngừng bắn, nối lại đối thoại chính trị, tiến tới chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ là động thái liều lĩnh bởi có thể làm chiến tranh bùng phát tại khu vực này. Hiện tại, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có thiên hướng ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
NATO tăng cường phòng vệ ở Đông Âu
Về phía NATO, trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 5-2, các Bộ trưởng Quốc phòng liên minh quân sự thống nhất thúc đẩy phòng vệ ở Đông Âu nhằm đáp trả “các thách thức trong mọi tình huống”, cụ thể tại 6 trung tâm chỉ huy ở Ba Lan, Romania, Bulgaria, Estonia, Latvia và Lithuania.
Hơn 40.000 binh sĩ khối NATO tại khu vực này được đánh giá không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại của khối. Theo đó, lực lượng phản ứng nhanh với quân số lên đến 30.000 người, bao gồm 5.000 lính tiên phong, sẽ được triển khai để đáp trả những gì mà NATO gọi là “sự gây hấn của Nga ở Ukraine”.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận sự thống nhất về quan điểm của 28 thành viên nhưng cho biết, việc gia tăng sự hiện diện của khối này ở các biên giới Nga dường như để chọc giận Mátxcơva.
Tháng 9 năm ngoái, tại một hội nghị thượng đỉnh ở xứ Wales (Vương quốc Anh), các nhà lãnh đạo NATO cũng ủng hộ việc tăng cường phòng vệ của liên minh khi lo ngại về hành động của Nga tại Ukraine. Lần này, ông Stoltenberg nói rằng, các giải pháp mà NATO đề cập còn xuất phát từ các mối đe dọa mới của các chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Bắc Phi và Trung Đông - lực lượng đang gây ra bạo lực ở châu Âu.
PHÚC NGUYÊN