Việc hai con tin người Nhật Bản bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết làm nước này bàng hoàng. Đây cũng là thách thức lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe bởi nhiều người hoài nghi liệu kế hoạch an ninh của ông có giúp Nhật Bản an toàn hơn không.
Thủ tướng Shinzo Abe (thứ ba từ trái sang) và nội các cúi đầu sau khi IS công bố video hành quyết nhà báo Kenji Goto. Ảnh: AP |
Ngày 2-2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bảo vệ chính sách chống khủng bố của chính phủ. Điều trần trước một ủy ban của Quốc hội, ông né tránh nhiều câu hỏi của các nghị sĩ về việc xử trí đối với cuộc khủng hoảng con tin. Nhà lãnh đạo này nói rằng, việc ông tuyên bố viện trợ phi quân sự 200 triệu USD để chống IS trong một chuyến công du Trung Đông nhằm thúc đẩy cam kết của Nhật chống lại khủng bố và kiến tạo hòa bình, sự ổn định ở khu vực.
“Tôi nghĩ rằng, việc công bố sự đóng góp của Nhật Bản để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia này trong việc góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn sự mở rộng của chúng”, ông Abe nói. “Bảo vệ an toàn cho các công dân Nhật Bản là trách nhiệm của chính phủ và tôi là người có trách nhiệm cao nhất”, vị Thủ tướng này khẳng định.
Chỉ vài ngày sau khi ông Abe đưa ra cam kết ủng hộ 200 triệu USD, IS cũng đòi đúng số tiền này để đổi lấy tính mạng hai công dân Nhật Haruna Yukawa và Kenji Goto bị lực lượng này bắt giữ. Trước khi nhà báo tự do Kenji Goto bị hành quyết, một số chính trị gia ở Nhật đã chỉ trích ông Abe và cho rằng, chính gói viện trợ phi quân sự 200 triệu USD là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng con tin.
Đối mặt với nhiều áp lực, người đứng đầu chính phủ Nhật vẫn giữ quan điểm cứng rắn: không nhượng bộ yêu sách của khủng bố và phối hợp với cộng đồng quốc tế là giải pháp duy nhất để chống khủng bố.
AP cho biết, Nhật Bản hiện thắt chặt an ninh tại các sân bay, các điểm giao thông công cộng, các cơ sở của Nhật ở nước ngoài như các đại sứ quán, trường học. Chính phủ Tokyo cũng kêu gọi các nhà báo và những công dân khác ở gần những nơi xung đột tại nước ngoài trở về nước, đồng thời cảnh báo nguy cơ bị bắt cóc cùng các mối đe dọa khác.
Quốc kỳ ở dinh thự của Thủ tướng được treo rủ trong ngày 2-2 để tưởng niệm Yukawa và Goto. Theo AFP, thất bại của Nhật Bản trong việc giải cứu hai con tin làm gia tăng những hoài nghi về khả năng của chính phủ xử trí khủng hoảng quốc tế. AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: các vụ hành quyết là thông điệp “cảnh tỉnh” Nhật Bản, đất nước vốn chủ trương hòa bình và tránh liên quan đến các xung đột ở Trung Đông.
Giáo sư Takashi Kawakami tại Đại học Takushoku và là chuyên gia an ninh cho rằng, chính phủ đã thiếu thông tin nên gặp khó khăn khi xử trí tình huống. “Đây là lời cảnh tỉnh. Sau vụ việc này, Nhật phải thúc đẩy các hoạt động tình báo ở trong nước và nước ngoài”, ông Kawakami nói.
Khi cuộc khủng hoảng con tin diễn ra, Tokyo không có mối liên hệ nào ở khu vực Trung Đông, không có cuộc đàm phán trực tiếp nào với IS, ngoại trừ việc phụ thuộc vào Jordan, đồng minh then chốt, nhưng quốc gia này cũng tìm mọi cách để giải thoát viên phi công bị IS bắt giữ vào cuối tháng 12 năm ngoái. Phát biểu với báo giới ngày 2-2, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng, chính phủ đã không có ý định đàm phán với các chiến binh.
Song, theo Giáo sư Masanori Naito tại Trung tâm Hồi giáo và Trung Đông, thuộc Đại học Doshisha có trụ sở ở Kyoto, lẽ ra Nhật nên khôn ngoan hơn bằng việc nhờ thêm sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Naito cho rằng, chính phủ dường như sẽ bắt đầu nghiên cứu việc dùng sức mạnh quân sự khi người Nhật gặp nguy hiểm ở nước ngoài.
Mới đây, Thủ tướng Abe đã tuyên bố sẽ nỗ lực ban hành luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) tham gia các nỗ lực giải cứu công dân của quốc gia này gặp nguy hiểm ở nước ngoài. Dường như Quốc hội Nhật Bản chắc chắn sẽ thông qua luật này. Tuy nhiên, người dân xứ sở hoa anh đào vốn không hài lòng với việc ông Abe diễn giải lại hiến pháp hòa bình, nay sẽ ủng hộ chủ trương nói trên hay không.
THIÊN BÌNH