Cuộc biểu tình của đòi quyền lợi của phụ nữ trên thế giới |
ĐNĐT - Phụ nữ là một nửa của thế giới, bởi vậy sức ảnh hưởng của họ đến nhân loại xuyên suốt chiều dài lịch sử cũng vô cùng mạnh mẽ.
Dưới đây là chân dung 7 người phụ nữ tài ba góp phần làm thay đổi lịch sử thế giới, theo nhận định của CNN.
1. Harriet Beecher Stowe (1811-1896): Nhà văn, nhà hoạt động ủng hộ chủ nghĩa bãi nô
Nữ văn sĩ người Mỹ gốc Bắc Âu này đã dành cả cuộc đời mình đấu tranh không ngừng nghỉ chống lại chế độ nô lệ. Tiểu thuyết “Uncle Tom’s Cabin” (tạm dịch: Túp lều của bác Tom) của bà ra đời vào năm 1852 nhằm đả kích mạnh mẽ sự tàn bạo của chế độ hà khắc này.
Đây là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong thế kỷ 19 và cũng là quyển sách bán chạy thứ hai sau Kinh Thánh trong thế kỷ 20.
Khi có dịp tiếp kiến nữ văn sĩ tài ba này, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã phải thốt lên: "Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách khơi dậy cuộc chiến vĩ đại này", nhằm nói đến cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865), cuộc chiến giúp xóa bỏ chế độ nô lệ ở quốc gia này.
2. Emmeline Pankhurst (1858 - 1928): Nhà lãnh đạo phong trào giúp phụ nữ giành quyền bỏ phiếu
Bà Pankhurst (đứng giữa) cùng con gái Christabel Harriette (thứ ba từ trái sang) được người ủng hộ chào đón sau khi được trả tự do vào năm 1908. |
Emmeline Pankhurst là một nhà hoạt động chính trị người Anh. Bà là người thành lập Liên đoàn Xã hội và Chính trị Phụ nữ - một tổ chức được biết đến với những hình thức biểu tình cực đoan như xiềng xích chân tay hay tuyệt thực.
"Chúng tôi ở đây, không phải để chống phá luật, mà chúng tôi ở đây với nỗ lực trở thành những nhà lập pháp", bà Pankhurst khẳng định tại một phiên tòa năm 1908.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là bà Pankhurst đã không bao giờ được chứng kiến hoài bão của mình trở thành hiện thực bởi bà đã qua đời chỉ 3 tuần trước khi luật cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu như nam giới được thông qua.
Năm 1999, tạp chí Times vinh danh Pankhurst là một trong 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Tờ báo nhận định: "Bà đã uốn nắn tư tưởng cho phụ nữ trong thời đại của chúng ta, bà đã chuyển đổi xã hội vào một mô hình mới mà từ đó không thể nào lui trở lại".
3. Anne Frank (1929 - 1945): Tác giả cuốn nhật ký được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới
Chân dung Anne Frank. |
Anne Frank - một cô bé người Đức gốc Do Thái - là tác giả cuốn nhật ký nổi tiếng “Nhật ký Anne Frank”. Cuốn nhật ký được viết khi Anne cùng gia đình và bốn người nữa ẩn náu trên căn gác áp mái tại ngôi nhà số 263 đường Prinsengracht, Amsterdam, khi quân phát xít Đức chiếm đóng Hà Lan trong Thế chiến thứ 2.
Vào năm 1945, Anna đã thiệt mạng trong trại tập trung tử thần Bergen-Belsen của Đức Quốc xã, chỉ vài tuần trước khi khu vực này được giải phóng.
Chính những dòng cảm xúc chan chứa tình cảm trong sáng, tinh thần lạc quan của cô bé đã chạm đến hàng triệu trái tim độc giả.
Theo UNESCO, “Nhật ký Anne Frank” là một trong "10 cuốn sách được đọc rộng rãi nhất trên toàn thế giới”, với hơn 30 triệu bản được bán ra toàn cầu. Từ tiếng Hà Lan, cuốn nhật ký này đã được dịch ra 67 thứ tiếng và được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật như phim và kịch nghệ.
4. Simone de Beauvoir (1908 - 1986): Nhà văn, nhà triết học người Pháp
Nhà văn Simone de Beauvoir lúc sinh thời |
Tên tuổi của Simone de Beauvoir gắn liền với tác phẩm "The Second Sex" (tạm dịch: Giới tính thứ hai), xuất bản năm 1949 - một công trình lý luận triết học về phụ nữ, xuất phát từ quan điểm bình đẳng giới.
Giải Jerusalem năm 1975 và Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu năm 1978 là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi trong sự nghiệp văn chương của bà.
Chứa đựng tư tưởng triết học mới mẻ và táo bạo liên quan đến chủ nghĩa nữ quyền nên không có gì khó hiểu khi "The Second Sex" từng bị Vatican liệt vào danh sách những sách bị cấm.
5. Rosalind Franklin (1920 - 1958): Nhà khoa học đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về cấu trúc phân tử của ADN
Bà Franklin tại phòng thí nghiệm ở London |
Là người con của vùng đất Notting Hill, London, Rosalind Franklin - nhà lý sinh học và tinh thể học tia X- đã có những đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về cấu trúc phân tử của ADN, ARN, virus, than đá và than chì.
Nhà khoa học tài ba này đã khám phá ra cấu trúc phân tử của ADN trong chu trình chuyển hóa của tế bào và trong di truyền học, mở đường cho việc tiếp cận cách thức thông tin di truyền được truyền lại từ cha mẹ cho con cái.
Những hình ảnh nhiễu xạ tia X của bà xác nhận cấu tạo hình xoắn ốc được sử dụng trong công trình nghiên cứu cấu trúc ADN của James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins - 3 nhà khoa học đã được trao giải Nobel về Sinh lý và Y khoa năm 1962.
Franklin cũng đóng vai trò tiên phong trong công cuộc nghiên cứu về virus gây bệnh khảm trên cây thuốc lá và virus gây bệnh bại liệt. Bà qua đời năm 1958 ở tuổi 37 do căn bệnh ung thư buồng trứng.
6. Billie Jean King (sinh năm 1943): Huyền thoại tennis thế giới
Billie Jean King thi đấu tại giải vô địch Wimbledon 1967 |
Tay vợt người Mỹ này được tôn vinh là một huyền thoại trong làng quần vợt nữ thế giới khi bà đã giành được 39 danh hiệu Grand Slam tại các hạng mục thi đấu.
Trong sự nghiệp của mình, King được nhắc đến hơn cả bởi chiến thắng trước nam vận động viên Bobby Riggs trong trận đấu lịch sử mang tên “The battle of the Sexes” năm 1973 trước sự theo dõi của 30.000 khán giả trên sân và 50 triệu khán giả trên sóng truyền hình.
Cuộc thi đấu này được coi là bước tiến quan trọng đánh dấu vị thế của những người phụ nữ trong thể thao nói chung.
Trong thập niên 70, bà đã thành lập Hiệp hội Quần vợt nữ, một tổ chức có sứ mệnh làm cầu nối giúp những người phụ nữ có thể đến gần hơn với môn thể thao này và trở thành những vận động viên chuyên nghiệp. Ngoài ra, bà cũng tham gia tích cực vào việc kêu gọi mức tiền thưởng cân bằng giữa nam và nữ vận động viên.
Năm 1990, Tạp chí Life đã đưa bà vào danh sách 100 người Mỹ có ảnh hưởng lớn trong thế kỉ 20.
7. Wangari Maathai (1940-2011): Người sáng lập phong trào Vành đai xanh
Nhà hoạt động chính trị Wangari Maathai |
Bà Wangari Maathai là một người bảo vệ môi trường và là nhà hoạt động chính trị người Kenya. Vào năm 1977, bà đã thành lập phong trào Vành đai xanh với mục đích phát động toàn xã hội tham gia trồng cây.
Bà đặc biệt chú trọng việc tổ chức ươm cây con để rồi trao chúng miễn phí cho tất cả những ai muốn trồng cây. Năm 1986, phong trào của bà đã vượt ra khỏi biên giới Kenya và trở thành một mạng lưới trồng cây trên khắp lục địa đen.
Bà là người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình (năm 2004) vì những đóng góp cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình với câu nói nổi tiếng: “Khi chúng ta trồng cây, chúng ta đang ươm mầm cho hy vọng và hòa bình”.
Ngày 25-9-2011, bà qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác, và đã khiến nhiều người tiếc nuối.
Anh Thư (theo CNN)