.

Biểu tình ở Ferguson thành bạo loạn

.

Hai cảnh sát đã bị bắn tại thành phố Ferguson, bang Missouri của Mỹ vào sáng 12-3 (giờ Việt Nam) trong lúc diễn ra biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc.  

Những người biểu tình chặn ô-tô của cảnh sát bên ngoài Sở cảnh sát Ferguson.   Ảnh: Reuters
Những người biểu tình chặn ô-tô của cảnh sát bên ngoài Sở cảnh sát Ferguson. Ảnh: Reuters

AP cho biết, một cảnh sát 32 tuổi bị bắn vào mặt và một cảnh sát khác 41 tuổi bị bắn vào vai trong cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát ở thành phố Ferguson. Cảnh sát trưởng hạt Louis, ông Jon Belmar, xác nhận với báo giới rằng, cả hai đang được điều trị tại bệnh viện và vết thương của họ nghiêm trọng. Song, ông không cho biết thêm chi tiết.

Có mặt trong đoàn người biểu tình, Marciay Pitchford (20 tuổi) nói rằng, biểu tình đã diễn ra trong hòa bình cho đến khi cô nghe tiếng súng nổ.

Trong những tháng gần đây, Ferguson trở thành một trong những điểm nóng của nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ, liên quan đến cách đối xử của cảnh sát da trắng với các thanh, thiếu niên da màu. Tại Ferguson, người da đen chiếm 67% số dân, trong đó 75% là số người Mỹ gốc Phi.

Những cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc là những hình ảnh quen thuộc tại thành phố này kể từ sau khi Michael Brown, một thanh niên da màu 18 tuổi không mang vũ khí bị cảnh sát bắn chết hồi tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất thì đây là lần đầu tiên cảnh sát bị bắn tại một cuộc biểu tình.

Cũng trong sáng sớm 12-3 (giờ Việt Nam), Giám đốc cảnh sát Ferguson, ông Thomas Jackson, tuyên bố từ chức sau khi có báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ trích gay gắt việc cảnh sát đã bắn chết Michael Brown dù đối tượng này được cho là đã giơ tay đầu hàng. Báo cáo cũng cho rằng, Sở cảnh sát Ferguson thường xuyên có các hành vi phân biệt đối xử với người da đen, cụ thể là nhằm vào người Mỹ gốc Phi. Theo đó, ông Jackson sẽ chính thức rời nhiệm sở từ ngày 19-3 tới.

Việc Brown bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết làm dấy lên phản ứng tức giận của cộng đồng da màu tại Mỹ, các cuộc biểu tình đã diễn ra để phản đối hành động này. Không những thế, cuộc tranh luận trên khắp cường quốc này đặt ra vấn đề: chủng tộc và việc thực thi luật pháp ở Mỹ. Điều đáng nói là tháng 11 năm ngoái, Wilson không bị kết tội liên quan đến cái chết của Brown và báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ cũng không đưa ra cáo buộc về hình sự đối với Wilson.

Còn ông Thomas Jackson là tâm điểm bị chỉ trích. Những người biểu tình đã yêu cầu ông Jackson và một số lãnh đạo hàng đầu của bang Missouri phải từ chức vì xử trí không hiệu quả, thiếu trách nhiệm đối với vụ việc liên quan đến cái chết của Brown. Tuy nhiên, lúc đó, ông Jackson bác bỏ yêu cầu này và không đồng ý từ chức.

Tuần trước, khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố báo cáo về việc cảnh sát Ferguson phân biệt đối xử với người da màu, nhiều ý kiến cho rằng, cần giải tán Sở cảnh sát này. Song, Thị trưởng thành phố Ferguson James Knowles cam kết sẽ xem xét lại hoạt động của lực lượng cảnh sát tại địa phương. Trước khi 2 cảnh sát bị bắn ở Ferguson, một số người tham gia biểu tình đã hô vang rằng, họ không hài lòng về việc ông Jackson đơn thuần từ chức.

Chưa rõ Nhà Trắng sẽ có đối sách như thế nào với bất ổn ở Ferguson. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã kêu gọi các lãnh đạo Ferguson sửa chữa toàn diện những vấn đề của lực lượng cảnh sát.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.