“John thánh chiến”, biệt danh của kẻ bịt mặt xuất hiện trong các video tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chặt đầu con tin, được xác định là Mohammed Emwazi, công dân Anh gốc Kuwait.
Hình ảnh “John thánh chiến” xuất hiện trong các video chặt đầu con tin. Ảnh: Reuters |
Thông tin “John thánh chiến”, biểu tượng về sự man rợ của IS, là công dân Anh gây sốc đối với nước này. Điều đáng nói, Emwazi đã gây chấn động thế giới bởi y chính là đao phủ chặt đầu ít nhất 5 con tin phương Tây (chặt đầu phóng viên Mỹ James Foley hồi tháng 8 năm ngoái, sau đó là hai con tin Mỹ Steven Sotloff và Peter Kassig, hai con tin Anh David Haines và Alan Henning).
Ngoài ra, Emwazi cũng xuất hiện trong một video cùng hai con tin Nhật Bản Haruna Yukawa và Kenji Goto trước khi họ bị sát hại. Không những thế, theo Reuters, Emwazi còn chặt đầu khoảng 20 công dân Syria.
Trong các video, người ta thường thấy một người đàn ông mặc trang phục đen, che gần kín mặt, tay lăm lăm con dao, chế giễu phương Tây bằng giọng Anh. Có nhiều câu hỏi được đặt ra: làm thế nào một thanh niên 27 tuổi, được học hành tử tế ở Anh lại có thể trở thành một trong những kẻ hiện bị truy nã gắt gao nhất thế giới? Làm sao y qua mặt được các cơ quan tình báo Anh để đến được Syria và trở thành người đại diện phong trào thánh chiến quốc tế?
Thủ tướng David Cameron lên tiếng bảo vệ ngành tình báo của xứ sở sương mù. Ông xoa dịu những chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với ngành tình báo Anh về việc “John thánh chiến” đã có tên trong danh sách các đối tượng tình nghi khủng bố suốt nhiều năm nhưng các nhà chức trách không thể ngăn y đến Syria.
Ông Cameron không đề cập cái tên “John thánh chiến”, cũng không nhắc đến tên thật Mohammed Emwazi, chỉ nói rằng các cơ quan tình báo của Anh phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trước các mối đe dọa an ninh quốc gia và tìm cách phá vỡ những âm mưu gây ra thiệt hại to lớn cho đất nước.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh thề sẽ dùng mọi cách để tìm ra sát thủ “John thánh chiến”. Ông David Anderson, phụ trách công tác pháp lý về chống khủng bố của nước Anh, nói rằng các cơ quan tình báo phải đối mặt với mối đe dọa của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nghi can.
Theo AP, giới chức tình báo Anh bắt đầu chú ý đến Emwazi ít nhất từ năm 2009 trong các cuộc điều tra khủng bố ở Somalia. Cũng trong năm này, y và hai người bạn lên kế hoạch đến Tanzania. Song, khi máy bay vừa hạ cánh ở Tanzania thì cả ba bị bắt giữ, sau đó bị trục xuất với cáo buộc tìm cách đến Somalia để liên kết với những kẻ khủng bố. Chuyến đi tới Tanzania không thành làm Emwazi tức giận vì cho rằng an ninh phương Tây không đối xử công bằng với mình.
Các tài liệu của tòa án từ năm 2011 do BBC công bố cho thấy, cơ quan Tình báo Anh (MI5) đưa Emwazi vào danh sách một mạng lưới ở tây London bị tình nghi cung cấp tiền bạc, thiết bị và chiêu mộ chiến binh cho phong trào Al-Shabab ở Somalia. Al-Shabab có mối liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda và cũng là nhóm đã thực hiện vụ tấn công siêu thị Westgate Mall ở Nairobi (Kenya) vào tháng 9-2013 làm 67 người chết.
Cage, nhóm tổ chức dân sự ở Anh xác nhận MI5 theo dõi Emwazi ít nhất từ năm 2009 và cho rằng, chính việc theo dõi này đã đẩy y đến hành động cực đoan.
Những người sống cạnh nhà của Emwazi ở tây London cảm thấy sốc khi biết sự thật về người hàng xóm của mình. Họ vẫn nghĩ Emwazi, một người Hồi giáo thông thạo tiếng Arab, không những “rất tốt và lịch sự với mọi người” mà hằng ngày đều tham gia cầu nguyện. Cũng có người tỏ ra tức giận khi Emwazi được giáo dục tại Anh, tốt nghiệp Đại học Westminster mà lại gia nhập IS và có hành động man rợ.
Trong khi đó, thân nhân của các con tin bị chặt đầu đều bày tỏ mong muốn sẽ đưa Emwazi ra trước công lý. “Hy vọng duy nhất của tôi là việc tiết lộ nhân thân của Emwazi sẽ dẫn đến việc bắt giữ y”, bà Dragana - vợ của David Haines, nhân viên cứu trợ người Anh đã bị hành quyết nói với hãng AFP.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cũng tuyên bố Washington sẽ “không loại trừ lựa chọn nào”, bao gồm việc triển khai binh sĩ, để truy lùng Emwazi. “Bất kỳ ai liên quan việc sát hại các công dân Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Holder khẳng định.
Theo CNN, Emwazi sinh ra ở Kuwait năm 1988. Năm lên 6 tuổi, Emwazi cùng chị gái theo cha mẹ, ông bà Jasem và Ghaneya, đến tây London và sau đó tốt nghiệp chuyên ngành tin học ở Đại học Westminster. Báo Washington Post là tờ đầu tiên tiết lộ về nhân thân của “John thánh chiến”. Sau đó, Reuters dẫn hai nguồn tin của chính phủ Mỹ khẳng định “John thánh chiến” là Emwazi. |
THIÊN BÌNH