Trong cuốn sách Becoming Steve Jobs (tạm dịch: Trở thành Steve Jobs) ra mắt ngày 24-3 tới, thông qua ngòi bút của hai tác giả - nhà báo công nghệ kỳ cựu Brent Schlender và biên tập viên điều hành trang Fast Company Rick Tetzeli, người đọc hiểu thêm nhiều điều về huyền thoại quá cố của làng công nghệ thế giới.
Tim Cook (trái) và Steve JobsẢnh: Washington Post |
Tim Cook từng muốn hiến gan cho Steve Jobs
Theo Fast Company, tháng 1-2009 là giai đoạn chứng ung thư tuyến tụy bắt đầu hành hạ dữ dội khiến Steve Jobs đau đớn không thể rời giường bệnh. Đó là những ngày ông rất cần một ca phẫu thuật ghép gan để kéo dài sự sống.
Trong cuốn sách Becoming Steve Jobs, câu chuyện này được kể lại tỉ mỉ. “Một buổi chiều Cook rời nhà và cảm thấy buồn bã tới mức đi làm xét nghiệm máu. Ông nhận ra rằng, cũng như Steve, ông có một nhóm máu hiếm và đoán là có thể chúng sẽ giống nhau. Ông bắt đầu tìm hiểu thông tin và biết rằng có thể ghép một phần gan của người đang sống cho một người khác cần ghép tạng. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 6.000 ca ghép gan từ người sống được thực hiện và tỷ lệ thành công với cả người cho lẫn người nhận đều rất cao. Gan là bộ phận có khả năng tự tái sinh. Phần ghép vào ở cơ thể người nhận sẽ phát triển tới một kích thước đủ để hoạt động bình thường, và phần gan của người cho cũng sẽ hồi phục trở lại”.
Sau khi trải qua một loạt xét nghiệm để biết chính xác việc ghép một phần tạng như vậy là khả thi, Tim Cook đã đến nhà Steve Jobs tại Palo Alto để nói với ông về đề nghị đó. Nhưng Steve đã gạt ngay “gần như trước khi những lời ấy thốt ra khỏi miệng tôi”, Cook đã nói vậy. “Không. Tôi sẽ không để anh làm việc đó. Tôi sẽ không bao giờ làm như vậy”, Steve nói.
Cũng theo chia sẻ của Tim Cook, suốt 13 năm hai ông quen biết và làm việc cùng nhau, Steve chỉ lớn tiếng với ông khoảng 4 hay 5 lần. Và lần lớn tiếng trước đề nghị hiến tạng của Cook là một trong số ấy.
Không giấu bệnh với đối tác
Còn một chuyện nữa liên quan tới bệnh ung thư tuyến tụy của Steve. Theo cuốn sách mới, chính Bob Iger, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Disney là người ngoài đầu tiên (nếu không kể tới vợ con và các bác sĩ điều trị riêng cho Steve) biết bệnh ung thư của Jobs tái phát vào năm 2006.
Điều đáng nói, Steve đã chuyện trò với Bob Iger. Cuộc nói chuyện ấy vừa thân tình, nhưng cũng vừa hệ trọng, kéo dài khoảng 30 phút khi họ cần thỏa thuận một hợp đồng lớn.
Steve Jobs đã nói lý do ông cho Bob Iger biết về bệnh tình của mình như một thông tin để người bạn, đồng thời là đối tác quan trọng có thể cân nhắc và hủy bỏ bản hợp đồng đang định ký kết với Apple.
Nhưng Bob Iger đã tự hứa với mình và ông đã làm đúng như vậy: không nói với bất cứ ai về tình trạng sức khỏe của Steve. Không những thế, ông vẫn quyết định ký bản hợp đồng khổng lồ giữa Disney và Apple, trong đó Steve trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Walt Disney với 7% cổ phần.
Chọn Tim Cook kế nhiệm
Khi biết cơ hội sống của mình rất thấp, ngày 11-8-2011 (trước khi mất khoảng 2 tháng, Steve mất ngày 5-10-2011), Steve điện thoại cho Tim Cook và mời ông đến nhà gấp. Đó cũng là thời điểm Cook chính thức biết mình sẽ được Steve lựa chọn là người điều hành Apple.
Thực tế, Cook từng là ứng viên nặng ký nhất cho cương vị này từ nhiều năm trước. Cả hai lần Steve gặp vấn đề về sức khỏe (năm 2004 và 2009) là cả hai lần Cook thay Steve nắm quyền quản lý công việc. Ông cũng là người trong nội bộ tập đoàn. Và đó là lợi thế sẵn có của Cook.
Thoạt đầu khi mới trò chuyện với Steve về việc này, Cook nghĩ có lẽ Steve còn sống rất lâu. Họ đã nói về rất nhiều chuyện, kể cả việc nếu Cook trở thành Tổng Giám đốc điều hành và Steve làm Chủ tịch HĐQT của Apple sẽ như thế nào.
Nhưng rồi 8 tuần sau cuộc nói chuyện về việc chọn người thay thế, theo lời Cook, tình hình sức khỏe của Steve trở nên xấu đi.
Trước khi Steve qua đời, trong hồi tưởng của Cook, họ đã cùng nhau xem bộ phim Remember the Titans (tạm dịch: Nhớ về những người quan trọng). Tại thời điểm đó, Cook cảm thấy hơi ngạc nhiên khi Steve rủ ông cùng xem bộ phim này. Có lẽ khi ấy, Cook đã linh cảm trước một điềm chẳng lành.
TRẦN ĐẮC LUÂN