.

Mỹ hy vọng mở lại đại sứ quán tại Cuba vào tháng 4

.

Vòng hai cuộc đàm phán Mỹ-Cuba về bình thường hóa bang giao mở ra hôm 27-2 (giờ địa phương) tại Washignton đã có ‘tiến bộ’.

Đây là lời khẳng định của cả hai trưởng đoàn đàm phán: Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Châu Mỹ Latinh, Roberta Jacobson, và Vụ trưởng Vụ Hoa Kỳ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal.

Phía Mỹ thậm chí còn gợi lên khả năng mở lại đại sứ quán của mình tại La Habana vào tháng Tư để kịp với Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ ở Panama ngày 10, 11 tháng 4.

Phái đoàn Cuba (phải) đàm phán với đoàn Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước tại Washington ngày 27-2
Phái đoàn Cuba (phải) đàm phán với đoàn Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước tại Washington ngày 27-2. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trả lời báo chí, hai bên cũng công nhận còn nhiều ‘bất đồng nghiêm trọng’ phải giải quyết trước khi đi đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Bất đồng hàng đầu là sự hiện diện của Cuba trên danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố của Mỹ.

Bà Roberta Jacobson, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Châu Mỹ Latinh, đã nói đến những ‘tiến bộ đáng kể’, những cuộc ‘thảo luận mang tính chất xây dựng và đáng khích lệ’. Bà Josefina Vidal, Vụ trưởng  Vụ Hoa Kỳ của Bộ Ngoại giao Cuba, đứng bên cạnh cũng có những đánh giá tương tự.

Tuy nhiên mỗi bên đều có ưu tiên khác nhau. Đối với Hoa Kỳ là phải làm sao mở cửa Đại sứ quán Mỹ ở La Habana cho kịp lúc mở ra Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ ở Panama vào tháng Tư. Hình ảnh tới đây về cái bắt tay giữa Barack Obama và Raul Castro sẽ là một thành công ngoại giao đối với Tổng thống Mỹ.

Nhưng Cuba thì quan tâm hơn về việc xóa tên mình khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố mà Cuba bị liệt vào từ năm 1982.

Việc duy trì Cuba trên danh sách này hiện không còn cơ sở, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã giải thích việc rút tên Cuba khỏi danh sách phải được Quốc hội chấp nhận, và điều đó không nằm trong nội dung đàm phán hiện nay.

Bà Josefina Vidal đã không đưa việc rút tên này làm điều kiện tiên quyết để mở lại Đại sứ quán Mỹ, nhưng vấn đề đó cho thấy những khó khăn trên đường hòa giải hai bên.

Bất đồng còn nhiều: Bên cạnh danh sách hỗ trợ khủng bố, còn có hồ sơ gai góc là bãi bỏ cấm vận kinh tế tài chính.

Theo RFI

;
.
.
.
.
.