Căng thẳng đang dấy lên đến mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro nắm quyền vào năm 2013.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẽ tìm giải pháp đối phó với mối đe dọa từ Mỹ. Ảnh: AP |
Mỹ tuyên bố Venezuela là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và Tổng thống Barack Obama đã ký lệnh tiến hành trừng phạt 7 quan chức của đất nước giàu dầu mỏ này bằng việc “đóng băng” tài sản, cấm họ hoạt động kinh doanh với các công ty Mỹ hoặc đi du lịch đến Mỹ. Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, việc trừng phạt không nhằm vào ngành năng lượng hay nền kinh tế của Venezuela. Song, động thái này gây căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela khi quan hệ giữa Mỹ với Cuba - từng là cựu thù của Washington ở Mỹ Latinh và là đồng minh chính của Venezuela - đang được bình thường hóa.
Trong danh sách bị trừng phạt có người đứng đầu cơ quan tình báo và giám đốc cảnh sát quốc gia Venezuela. Ngoài ra còn có công tố viên Katherine Padron, người đã buộc tội Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma tội danh âm mưu đảo chính. Nhà Trắng còn kêu gọi Caracas trả tự do cho những nhân vật mà Washington gọi là “tù chính trị,” trong đó có hàng chục sinh viên.
Reuters cho biết, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chỉ trích việc Mỹ trừng phạt các quan chức và cho rằng, việc trừng phạt nhằm tiến hành lật đổ chính phủ của ông. Trong bài phát biểu kéo dài 2 tiếng đồng hồ, ông Maduro khẳng định sẽ tìm cách đối phó với mối đe dọa từ Mỹ, đồng thời bổ nhiệm một trong các quan chức bị Washington trừng phạt làm Bộ trưởng Nội vụ.
Việc tuyên bố một nước là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia là bước đi đầu tiên để khởi động chương trình trừng phạt của Mỹ. Tiến trình tương tự này từng được áp dụng với các nước như Iran và Syria. Nhà Trắng nói rằng, lệnh trừng phạt nhằm vào những người có hành động đe dọa tiến trình dân chủ, có hành động bạo lực hoặc lạm dụng nhân quyền, hoặc các quan chức chính phủ tham nhũng… Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, các quan chức Venezuela trong quá khứ và hiện tại vi phạm nhân quyền của người dân Venezuela, có hành vi tham nhũng sẽ không được hoan nghênh tại Mỹ.
“Chúng tôi phong tỏa tài sản và hệ thống tài chính của họ ở Mỹ”, ông Josh Earnest nói. Không những thế, người phát ngôn này còn bày tỏ quan ngại sâu sắc về những nỗ lực của chính phủ Venezuela trong việc đe dọa các đối thủ chính trị trong nước.
Các nhà quan sát cho rằng, động thái của Mỹ là sự trả đũa sau khi Tổng thống Maduro ngày 28-2 tuyên bố cấm cấp thị thực đối với hàng loạt quan chức Mỹ bị Caracas xếp vào danh sách “khủng bố”. Bên cạnh đó, Caracas cũng áp đặt một hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ đến quốc gia Nam Mỹ này. Ngày 2-3, Venezuela yêu cầu trong vòng 15 ngày Đại sứ quán Mỹ tại Caracas phải cắt giảm hơn 80% nhân sự, cụ thể giảm số lượng nhân viên từ 100 người hiện nay xuống còn 17 người. Song, lý do mà Bộ Ngoại giao Venezuela đưa ra là để “ngang bằng với số lượng biên chế của Đại sứ quán Venezuela tại Washington” không thuyết phục được Nhà Trắng.
Với động thái mới của Mỹ lần này, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez cũng khẳng định sẽ sớm đáp trả. Venezuela đã triệu hồi đại biện lâm thời tại Mỹ Maximilien Arvelaiz về nước để tham vấn khẩn. Tổng thống Maduro cáo buộc người đồng cấp Obama có “sai lầm to lớn” và kiêu ngạo theo kiểu chủ nghĩa đế quốc như những người tiền nhiệm Richard Nixon, hay G.W.Bush.
Mỹ và Venezuela không có đại diện ngoại giao đầy đủ kể từ năm 2009, khi Tổng thống Hugo Chavez lúc đó trục xuất đại sứ Mỹ Patrick Duddy. Đáp lại, Washington cũng trục xuất đại sứ Venezuela Bernardo Alvarez. Tuy nhiên, trong suốt 14 năm ông Chavez nắm quyền, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Venezuela hầu như không bị ảnh hưởng.
PHÚC NGUYÊN