Tình hình an ninh ngày càng phức tạp ở Yemen đang là nỗi lo của Mỹ, bởi sự trỗi dậy của phiến quân Houthi có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiến dịch chống khủng bố của Washington trên bán đảo Arab.
Nhân viên các nước rời khỏi Yemen do lo ngại an ninh bất ổn. Ảnh: Reuters |
Liên Hợp Quốc (LHQ) và hàng loạt quốc gia đã sơ tán nhân viên khỏi Yemen. Trong khi đó, Nga cảnh báo chiến dịch không kích do Saudi Arabia dẫn đầu mang tên “Siêu bão” chống Houthi sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán hạt nhân giữa các cường quốc với Iran.
Còn Tổng thống Yemen Abedrabbo Mansour Hadi thúc giục các đồng minh Arab tiếp tục chiến dịch không kích cho đến khi phiến quân dòng Shiite đầu hàng, đồng thời gọi lực lượng này là “con rối của Iran”. Hơn ai hết, ông Hadi muốn liên quân Arab gây sức ép để phiến quân Houthi giao nộp vũ khí hạng nặng, đồng thời thủ lĩnh nhóm này phải ra đầu thú và đối mặt với pháp luật.
Yemen được cho là tuyến đầu trong cuộc chiến của Mỹ chống Al-Qaeda trên bán đảo Arab. Liên minh Sunni Arab không muốn có một chính quyền thân Iran “ngay trước cửa nhà mình”. Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 26 diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập vào ngày 28 và 29-3 tập trung bàn thảo về tình hình Yemen.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo khu vực đang đối mặt với các mối đe dọa chưa từng có và các nước Arab cần đoàn kết, hợp tác nhằm giải quyết tận gốc rễ vấn nạn này. Hiện có hơn 10 nước tham gia liên minh để bảo vệ ông Hadi.
Có mặt tại Sharm el-Sheikh với tâm trạng bất an, Tổng thống Hadi không muốn mình cũng rơi vào tình trạng như người tiền nhiệm Ali Abdullah Saleh, nghĩa là chính phủ của ông cũng sẽ sụp đổ trước sự tấn công của Houthi. Nhà lãnh đạo này đã rời thủ đô Sanaa để đến lập “thành trì” tại thành phố Aden. Nhưng giờ đây, Aden tiếp tục là mục tiêu của Houthi.
Việc hàng trăm người tụ tập gần kho vũ khí Jabel Hadeed ở Aden nhằm cướp vũ khí, không may những quả bom trong kho phát nổ làm hàng chục người thiệt mạng đặt ra quan ngại rằng, thành phố này cũng không phải là nơi an toàn với “đại bản doanh” của Tổng thống Hadi.
Sau hội nghị thượng đỉnh của AL, ông Hadi sẽ đến Saudi Arabia cùng Quốc vương Salman và không trở về Yemen cho đến khi căng thẳng lắng xuống. Quốc vương Salman cũng cam kết sẽ tiến hành không kích cho đến khi bảo đảm an ninh cho người dân Yemen và làm bất kỳ điều gì để ngăn chặn việc ông Hadi bị lật đổ.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo Arab đưa ra những đường lối chỉ đạo đúng đắn hướng tới giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình. Ông Ban Ki-moon cho rằng, các cuộc đàm phán do LHQ làm trung gian là cơ hội duy nhất để ngăn xung đột kéo dài tại Yemen.
Lãnh đạo của Houthi là Abdel Malak al-Houthi, người được cho là thân Iran. Vì vậy, Houthi bị xem như lực lượng Hezbollah ở Lebanon - một phong trào chính trị, quân sự Hồi giáo Shiite thân Iran. Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người phải từ nhiệm vào năm 2012 sau cuộc nổi dậy kéo dài một năm.
Phát biểu trên truyền hình, ông Saleh thúc giục AL hỗ trợ để kết thúc cuộc khủng hoảng trong hòa bình. Ông nói rằng, vấn đề sẽ không được giải quyết bằng những cuộc không kích. Song, theo các nhà ngoại giao vùng Vịnh, chiến dịch không kích có thể kéo dài đến 6 tháng, thay vì dự kiến 1 tháng, và cáo buộc Iran đứng sau các phiến quân.
“Ước tính 5.000 người Iran, các thành viên phong trào Hezbollah và cả lực lượng dân quân Iraq đang ở Yemen”, một quan chức vùng Vịnh nói. Nhiều quan chức các nước cũng lo ngại Iran sẽ phản ứng với chiến dịch không kích bằng “những hành vi khủng bố” tại các quốc gia Arab.
Song, Mỹ đang lo lắng hơn hết, bởi Yemen - “khuôn mẫu cho chiến lược chống khủng bố ở nước ngoài mà Washington theo đuổi” - xảy ra bất ổn thì cả chiến lược của cường quốc cũng bị lung lay, trong đó có chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq và Syria.
VĨNH AN