Quốc tế

Trung Quốc - Myanmar "khẩu chiến"

07:29, 16/03/2015 (GMT+7)

Vụ máy bay chiến đấu MiG-29 được cho là của Myanmar thả bom xuống tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) làm 4 người chết và 9 người khác bị thương khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng này căng thẳng.

Binh sĩ Myanmar tuần tra ở thị trấn Laukkai thuộc Kokang.  		        Ảnh: AFP
Binh sĩ Myanmar tuần tra ở thị trấn Laukkai thuộc Kokang. Ảnh: AFP

Vụ việc được cho là phép thử về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar, vốn căng thẳng trong những năm gần đây. 4 nạn nhân được xác định là nông dân sống trong vùng và đang làm việc trên ruộng mía thì gặp nạn.

Hai bên ngay lập tức có những phản ứng xung quanh vụ ném bom. Trung Quốc cáo buộc đó là máy bay của Myanmar. Còn Myanmar cho rằng, máy bay của nước này không đi vào vùng mà Bắc Kinh cáo buộc. “Dữ liệu GPS, thông tin radar và trên thực địa không cho thấy bằng chứng máy bay của chúng tôi không đi vào khu vực mà phía Trung Quốc cáo buộc”, Chánh văn phòng Tổng thống Myanamar, ông Zaw Htay nói.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh sau khi bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII ngày 15-3 khẳng định chính phủ của ông có trách nhiệm và có khả năng bảo vệ đường biên giới dài gần 2.200km với Myanmar. Ông Lý Khắc Cường gọi vụ ném bom làm 4 thường dân thiệt mạng là vấn đề “rất đau buồn”.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ có giải pháp “cứng rắn và quyết định” nếu quân đội Myanmar lặp lại một cuộc tấn công như thế trên lãnh thổ cường quốc châu Á này. Quân chính phủ Myanmar đang chống lại các phiến quân Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) ở biên giới với Trung Quốc và Bắc Kinh hối thúc Naypyidaw “hạ nhiệt” tại khu vực này. Tình trạng bạo lực leo thang làm hơn 30.000 người từ Kokang, thuộc bang Shan của Myanmar, bỏ nhà cửa vượt biên giới chạy sang tỉnh Vân Nam, đồng thời khiến Bắc Kinh lo ngại. Nhiều người hiện ở tại các khu tị nạn của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc. Trước đó, một ngôi nhà tại tỉnh Vân Nam đã bị trúng đạn pháo bắn qua biên giới từ phía Myanmar.

Theo AFP, Trung Quốc điều các máy bay chiến đấu đến biên giới với Myanmar để “theo dõi, giám sát, cảnh báo và đuổi” các máy bay quân sự Myanmar bay sát vùng biên giới. Không những thế, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã triệu đại sứ Myanmar tại Bắc Kinh Thit Linn Ohn để phản đối vụ việc. Ông Lưu Chấn Dân thúc giục Naypyidaw “điều tra toàn diện vụ ném bom” và thực hiện ngay lập tức các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn vụ việc tái diễn. Tân Hoa xã dẫn lời nhà ngoại giao này kêu gọi các nhà chức trách Myanmar bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực biên giới.

Cũng trong ngày 15-3, một quan chức ở Văn phòng Tổng thống Myanmar vẫn cho rằng, quân đội của nước này không hề thả bom xuống Trung Quốc. Vị quan chức này lấy làm tiếc về vụ việc và nói rằng có thể do phiến quân ở Kokang thực hiện và cố tình tạo sự hiểm nhầm giữa hai nước. Song, ông này cam kết hợp tác toàn diện với Bắc Kinh để điều tra, đồng thời muốn kiểm tra những mảnh bom được tìm thấy trên lãnh thổ Trung Quốc.

Theo AP, Trung Quốc hiện bác bỏ mọi liên quan đến phiến quân Kokang và nói rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tôn trọng chủ quyền của Myanmar. Song, giới chức Myanmar khẳng định các cựu binh sĩ Trung Quốc đã huấn luyện phiến quân của quốc gia Đông Nam Á này.

Thực tế, hơn một tháng nay, vùng biên giới Trung Quốc - Myanmar nóng lên bởi các cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ Myanmar với phiến quân sau 5 năm yên tĩnh. Xung đột đã làm hàng trăm binh sĩ và quân nổi dậy thiệt mạng, đến nay thì vượt qua khỏi biên giới Myanmar. Vụ ném bom lần này khiến lãnh đạo Trung Quốc khó xử, khi phiến quân Kokang nói tiếng Mandarin (tiếng Trung Quốc phổ thông) và có quan hệ thương mại sâu sắc với tỉnh Vân Nam.

Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức Myanmar, hội đàm Tổng thống U Thein Sein, đồng thời hai bên đã ký kết hàng loạt thỏa thuận tổng trị giá 7,8 tỷ USD trong các lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp, viễn thông, cơ sở hạ tầng và tài chính. Ngày 8-3 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và người đồng cấp Myanmar Tin Oo Lwin cũng gặp gỡ, cam kết duy trì hòa bình ở khu vực biên giới và xúc tiến quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Myanmar tại Đại học Tứ Xuyên, ông Dai Yonghong cho rằng, Trung Quốc sẽ không để xung đột ở biên giới trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với quan hệ giữa hai chính phủ, nhất là khi cả Mỹ, Nhật Bản lẫn Ấn Độ đều đang muốn tạo quan hệ với Myanmar.

PHÚC NGUYÊN

.