Trung Quốc đã vượt qua Đức và Pháp để lọt vào Top 3 nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, với thị trường chủ yếu là Pakistan, Bangladesh và Myanmar, báo cáo ngày 16-3 của một viện nghiên cứu tại Thụy Điển cho biết.
Các công ty vũ khí Trung Quốc ngày càng tích cực tham gia các triển lãm quốc phòng (Ảnh: EPA) |
Theo báo cáo thường niên của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh số xuất khẩu vũ khí của thế giới trong giai đoạn 2010 - 2014 đã tăng 16% so với 5 năm trước.
Số liệu cho thấy Mỹ vẫn “vững chắc ở vị trí số 1” khi cung cấp tới 31% lượng xuất khẩu vũ khí thông thường trên thị trường, theo sau là Nga với 27% thị phần.
Xếp ngay sau hai cường quốc xuất khẩu vũ khí này lần lượt là Trung Quốc, Đức và Pháp, với thị phần quanh mức 5%, trong đó thị phần của Trung Quốc nhỉnh hơn chút ít.
Dù vậy, thị trường chính của vũ khí Trung Quốc là các nước châu Á, trong đó gần một nửa (41%) lượng vũ khí xuất khẩu sang Pakistan, tiếp đến là Bangladesh và Myanmar. Bắc Kinh cũng có 18 khách hàng là các quốc gia châu Phi.
Trong khi đó, khách hàng số một của Nga là Ấn Độ, nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với 70% lượng vũ khí New Delhi mua sắm đến từ Nga.
Đa dạng hơn cả về thị trường xuất khẩu là Mỹ, khi khách hàng số một của nước này là Hàn Quốc chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong số các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu, doanh số của Trung Quốc tăng mạnh nhất, đạt 143% so với 5 năm trước đó. Xuất khẩu vũ khí của Nga và Ukraine cũng tăng, trong khi Đức và Pháp lại chứng kiến doanh thu từ bán vũ khí sụt giảm.
Tuy nhiên SIPRI cho biết số liệu phản ánh trị giá của lượng vũ khí đã được các nước giao hàng, không phải trị giá tài chính của các hợp đồng đã ký.
Đồng thời là nước xuất khẩu vũ khí nhiều thứ ba thế giới, Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu nhiều thứ ba, sau Ấn Độ và Ả rập xê út, khi chiếm 5% thị phần. Con số này của Ấn Độ là khoảng 15%.
Kim ngạch nhập khẩu vũ khí của khu vực châu Phi trong giai đoạn 2010 – 2015 đã tăng 45% so với 5 năm trước đó, SIPRI cho biết thêm. “Algeria là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Phi, theo sau là Morocco, nước đã tăng lượng vũ khí nhập khẩu gấp 11 lần”, báo cáo viết.
Theo Thanh Tùng (Dân trí)