Một vụ tai nạn làm 10 người thiệt mạng, trong đó có 3 vận động viên nổi tiếng của Pháp, đã làm không riêng giới thể thao mà cả thế giới chấn động. Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn trong một số chương trình truyền hình thực tế.
Các nhà chức trách điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Ảnh: Reuters |
Hai trực thăng đâm vào nhau trên không tại thị trấn Villa Castelli, thuộc tỉnh La Rioja xa xôi phía tây Argentina khi đang quay loạt chương trình truyền hình thực tế Dropped (tạm dịch: Bị thả xuống) của kênh truyền hình TF1 (Pháp) vào chiều 9-3.
Mất mát quá lớn
3 ngôi sao thể thao tử nạn gồm:
1, Camille Muffat (25 tuổi), vận động viên bơi lội từng giành 3 huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng ở hạng mục bơi tự do 400m tại Thế vận hội London 2012. Cô giải nghệ sau một cuộc thi năm 2014.
2, Alexis Vastine (28 tuổi), giành huy chương đồng môn boxing hạng dưới bán trung (light-welterweight) tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008.
3, Florence Arthaud (57 tuổi), vận động viên đua thuyền từng vô địch giải đua Route du Rhum năm 1990 một mình vượt Đại Tây Dương đầy danh giá. Bà Florence Arthaud từng bị hôn mê sau vụ tai nạn nghiêm trọng năm 17 tuổi.
Trang Mirror (Anh) cho biết, tai nạn xảy đến với vận động viên Alexis Vastine là bi kịch quá lớn tiếp theo với gia đình anh. Trước đó 2 tháng, em gái anh là Celie đã qua đời trong một tai nạn ô-tô tại Normandy. Ông Alain Vastine, cha của ngôi sao này đã nghẹn ngào trên kênh truyền hình i-TELE của Pháp: “Cuộc đời thật không công bằng, tôi đã mất cả hai đứa con chỉ trong hai tháng”. Alexis đang nỗ lực luyện tập để góp mặt trong Thế vận hội tại Brazil năm tới.
Theo người phụ trách hàng không ở tỉnh La RioJa Daniel Gorkich, cả hai phi công người Argentina tử nạn đều được đào tạo rất bài bản. Ông Gorkich đoán ánh mặt trời buổi chiều và gió mạnh có thể là những nhân tố góp phần dẫn tới tai nạn thảm khốc.
Truyền hình thực tế nở rộ
Việc sản xuất các chương trình truyền hình thực tế luôn ít tốn kém hơn các chương trình truyền hình có kịch bản vì số người tham gia ít hơn; nhiều người trong đó không phải những người có chuyên môn nên cát-sê không cao như với diễn viên trong phim truyền hình thông thường.
Đó là lý do vì sao trong những năm qua, truyền hình thực tế nở rộ như nấm sau mưa trên các kênh truyền hình và vào những khung giờ vàng phát sóng. Một trong những hệ lụy, theo nhà báo Mary McNamara của báo Los Angeles Times, để cạnh tranh và thu hút khán giả, các chương trình truyền hình thực tế ngày càng có xu hướng tăng dung lượng cảnh quay kịch tính, theo đó là tăng tính rủi ro cho những người tham gia.
Trong một bài báo khác trên Los Angeles Times của phóng viên Richard Verrier, sau khi xem xét cơ sở dữ liệu của chính phủ Mỹ, phóng viên này nhận ra có tới gần 1/3 số trường hợp (20 người) trong các trường hợp tử vong khi đang quay phim trong 5 năm qua (tính đến ngày 24-12-2014) liên quan tới các chương trình truyền hình thực tế. Con số này gấp đôi số ca tử vong trong 5 năm trước đó.
Trực thăng cũng liên quan tới 2 vụ tai nạn đáng tiếc nhất xảy ra khi đang quay phim của Mỹ trong những thập niên gần đây. Một vụ xảy ra tại Acton năm 2013 cướp đi sinh mạng của 3 người và một vụ xảy ra gần khu Santa Clarita năm 1982 khi quay phim Twilight Zone: The Movie đã làm nam diễn viên Vic Morrow và hai con của anh tử nạn.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 9-3 tại Argentina trở thành vụ tai nạn thảm khốc nhất liên quan tới truyền hình thực tế. Theo những tìm hiểu ban đầu, nguyên nhân do lỗi của con người.
Nội dung của chương trình Dropped là những người tham gia bị bỏ mặc ở một vùng đất hoang sơ và phải tự tìm đường trở lại với thế giới văn minh. Trong kịch bản, các vận động viên bị bịt mắt và đưa tới một khu vực có địa hình trắc trở, sau đó họ được cho thời gian 72 tiếng để tìm đến chỗ có thể sạc được điện thoại.
Ông David Michaels, cán bộ thuộc Cơ quan quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA) nói: “Tôi thực sự kinh ngạc khi các hãng sản xuất luôn sẵn sàng sử dụng công nghệ tân tiến để tạo nên những thước phim chất lượng cao nhưng thường họ không muốn bỏ ra những khoản chi tối thiểu cần thiết để bảo đảm an toàn cho những người tham gia”.
Số ca tử vong liên quan tới phim và các chương trình truyền hình giảm dần vào những năm 1990, thậm chí không xảy ra vụ nào vào năm 2003. Đó là nhờ các nhà sản xuất chương trình và các hãng phim có ý thức nâng cao công tác bảo đảm an toàn và ứng dụng kỹ thuật số đã hỗ trợ được các cảnh quay nguy hiểm.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, số liệu thống kê của Mỹ cho thấy lại gia tăng tử vong trong lĩnh vực giải trí này. Giới chức trách quy kết những nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là bởi xu hướng muốn đi tắt, làm nhanh để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ông Michaels khẳng định: “Thường thì mỗi khi điều tra các vụ tai nạn có thiệt hại về người, chúng tôi nhận thấy những vụ đó đều có thể lường trước và phòng tránh”.
Theo trang NDTV (Ấn Độ), vụ tai nạn thảm khốc khiến nhà sản xuất ALP phải chấm dứt chương trình truyền hình thực tế Dropped và thanh toán hợp đồng với các thành viên còn lại. Những người may mắn thoát chết cũng là các vận động viên thể thao. Đó là kình ngư vô địch Thế vận hội Alain Bernard, nữ vận động viên đua xe đạp Jeannie Longo, vận động viên trượt tuyết Anne-Flore Marxer và ngôi sao trượt băng nghệ thuật Philippe Candeloro.
Hãng sản xuất chương trình Dropped từng có liên quan tới một vụ tai nạn truyền hình thực tế khác của Pháp năm 2013 khi một thí sinh trong chương trình Koh-Lanta chết vì đau tim ở Campuchia; và khi đó một bác sĩ trong đoàn làm phim đã tự sát.
TRẦN ĐẮC LUÂN