.

Á - Phi muốn thay đổi "trật tự thế giới lỗi thời"

.

Có mặt tại thủ đô Jakarta của Indonesia, các nhà lãnh đạo Á - Phi kêu gọi “trật tự thế giới mới” nhằm thay thế “trật tự thế giới lỗi thời”. Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng, các nước Á - Phi cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi khai mạc tại Jakarta ngày 22-4.  	                           Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi khai mạc tại Jakarta ngày 22-4. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi diễn ra trong hai ngày (22 và 23-4) tại Jakarta. Sự kiện này đánh dấu 60 năm đặt nền móng cho Phong trào không liên kết thời Chiến tranh Lạnh (NAM).

Reuters cho biết, “trật tự thế giới mới” ở đây là “cần thiết phải có sự thay đổi”, như khẳng định của Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo. Ông Joko Widodo cho rằng, phải xây dựng một trật tự kinh tế quốc tế mới, theo đó mở cửa với các cường quốc kinh tế mới nổi. Theo ông, những ai vẫn khẳng định các vấn đề kinh tế toàn cầu chỉ có thể được giải quyết thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì những ý tưởng này đã lỗi thời. WB và IMF vốn là trung tâm của trật tự tiền tệ thời hậu Thế chiến thứ hai, do Mỹ và châu Âu đặt ra tại Hội nghị Bretton Woods ở New Hampshire năm 1944.

Tổng thống Widodo không bình luận về Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc dẫn đầu, được cho là cạnh tranh với WB và ADB. Song, Indonesia là một trong gần 60 quốc gia trở thành thành viên sáng lập AIIB.

Cũng tại phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo kêu gọi phát huy tinh thần Bandung, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cả hai châu lục Á và Phi. Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Bandung của Indonesia từ ngày 18 đến 24-4-1955 với sự tham gia của lãnh đạo 29 nước Á - Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác giữa hai châu lục. Lúc đó, trật tự thế giới được cho là thay đổi đáng kể khi có đến gần 30 lãnh đạo các nước hiện diện ở Bandung. Tinh thần Bandung đã nhấn mạnh việc thúc đẩy sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước châu Á và châu Phi.

Còn tại lần này, giới quan sát cho rằng, sau 6 thập niên, tinh thần Bandung vẫn còn đó, nhưng các nước sẽ tìm cách mở rộng ảnh hưởng của nước mình với các bên khác tham dự hội nghị. Tổng thống Widodo khẳng định châu Á và châu Phi có tiềm năng to lớn, đồng thời hiện đóng vai trò lớn hơn đối với kinh tế thế giới. “Tuy nhiên, các nước Á và Phi cũng đối mặt với nhiều thách thức”, ông Widodo nói.

Sự có mặt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thu hút sự chú ý, nhất là khi cả hai nhà lãnh đạo này dự kiến có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị. Theo Reuters, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng dần “tan băng” trong quan hệ giữa các đối thủ châu Á.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trong những năm gần đây trở nên giá băng do các vấn đề thời chiến tranh, do tranh chấp lãnh thổ và sự cạnh tranh trong khu vực. Song, các cuộc đàm phán song phương tại Jakarta có thể thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau dẫu cả hai đều thận trọng. Thực chất, việc “xích lại gần nhau” này được bắt đầu khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ ông Abe tại thủ đô Bắc Kinh vào cuối năm ngoái.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Abe phát biểu tại hội nghị lần này rằng, Nhật Bản cam kết, “bằng sự hối hận sâu sắc về cuộc chiến tranh trong quá khứ”, phải tuân thủ các nguyên tắc như: kiềm chế sự gây hấn và giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Chưa rõ những phát biểu này có làm Trung Quốc hài lòng về việc yêu cầu Nhật Bản phải nhìn nhận quá khứ thời chiến, nhưng một quan chức Tokyo nói rằng, ông Tập Cận Bình và ông Abe vẫn có cuộc gặp song phương.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.