Những nguyên tắc mới tại cuộc đàm phán theo cơ chế “2+2” sẽ giúp Mỹ và Nhật Bản đối phó linh hoạt với các thách thức mà hai nước đang đối mặt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lẫn toàn cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhấn mạnh như vậy trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 8-4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani tại Tokyo. Ảnh: AFP |
Chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter kéo dài 3 ngày, từ ngày 7-4 đến 9-4. Đây là chuyến thăm châu Á đầu tiên kể từ khi ông đảm nhận vị trí đứng đầu Lầu Năm Góc hồi tháng 2 vừa qua. Mục đích của ông là muốn tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn nữa giữa Mỹ và Nhật Bản.
Và theo AFP, thông điệp mà ông mang đến xứ sở hoa anh đào là tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật, rằng liên minh an ninh giữa hai nước này đang chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm cuộc gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà Gen Nakatani ngày 8-4, Bộ trưởng Carter nhấn mạnh những hướng dẫn mới về liên minh an ninh Mỹ - Nhật sẽ cho phép quân đội hai nước “hợp tác liên tục”. “Hướng dẫn hợp tác quốc phòng giúp chúng ta mở rộng phạm vi an ninh trong khu vực và những vấn đề khác ở bên ngoài”, ông Carter nói.
Cuộc gặp gỡ này diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị công bố những nguyên tắc mới tại cuộc đàm phán theo cơ chế “2+2” với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao 2 nước vào ngày 27-4 ở Washington. Thời điểm đó, những nguyên tắc cũng sẽ được chính thức hoàn tất, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm Mỹ cùng ông Gen Nakatani và Ngoại trưởng Fumio Kishida. Thủ tướng Abe sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama vào ngày 28-4 ở Washington.
Trong lúc này, Mỹ và Nhật Bản cũng lần đầu tiên cập nhật các nguyên tắc hợp tác quốc phòng kể từ năm 1997. Theo đó, Washington và Tokyo sẽ mở rộng quy mô tương tác phù hợp với những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc nới lỏng những hạn chế của Hiến pháp hòa bình đối với quân đội Nhật Bản. Nội dung quan trọng nhất mà ông Abe muốn Hiến pháp hòa bình đề cập là cơ chế “phòng vệ tập thể” và quân đội Nhật Bản sẽ được phép hỗ trợ trong trường hợp đồng minh bị tấn công.
Đây là sự thay đổi chính sách an ninh lớn nhất của Tokyo trong nhiều thập niên. Mục đích mà người đứng đầu chính phủ Nhật hướng đến là thúc đẩy vai trò của quân đội nước ông đối với an ninh khu vực. Song, Bộ trưởng Carter nói rằng, hướng dẫn hợp tác quốc phòng sửa đổi sẽ không nhắm tới bất kỳ một khu vực cụ thể nào, bao gồm Biển Đông.
Với việc “viết lại” Hiến pháp hòa bình, Thủ tướng Abe đối mặt với làn sóng phản đối ở trong nước. Nhiều người lo ngại sự rủi ro và nguy hiểm mà Nhật Bản gặp phải nếu can thiệp vào các cuộc xung đột ở các nước đồng minh.
Mỹ vốn xem việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật là bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để Tokyo đóng vai trò lớn hơn, vừa với tư cách là một đối tác an ninh của Washington, vừa có tiếng nói quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay.
Tháng 3 vừa qua, chuẩn Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cũng cho rằng những nỗ lực của ông Abe nhằm cho phép quân đội Nhật hành động khi đồng minh bị tấn công sẽ mở đường cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Washington và Tokyo ở châu Á. Ông Thomas từng nói rằng, Mỹ sẽ ủng hộ Nhật tham gia tuần tra trên không phận Biển Đông.
Mỹ hiện có khoảng 47.000 binh sĩ đồn trú tại Nhật Bản - “di sản” của Hiệp ước an ninh Nhật- Mỹ được ký kết tại Washington ngày 19-1-1960. Trong đó, hơn một nửa số binh lính có mặt tại miền Nam đảo Okinawa, nơi đặt căn cứ quân sự Futenma. Ngày 7-4, Nhật Bản công bố chính sách ngoại giao năm 2015, khẳng định nước này tiếp tục theo “con đường của một quốc gia hòa bình trong cộng đồng quốc tế”. Tài liệu này gọi liên minh an ninh Nhật - Mỹ là “trụ cột của chính sách ngoại giao của Tokyo”. |
PHÚC NGUYÊN