.
Câu chuyện quốc tế

Mạng xã hội và cuộc đua vào Nhà Trắng

.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chính thức tuyên bố tranh cử trên YouTube. Các nghị sĩ Rand Paul và Ted Cruz cũng tham gia qua Facebook, Twitter.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton lắng nghe các doanh nghiệp nhỏ trao đổi trong chiến dịch vận động tranh cử tại Norfolk, Iowa ngày 15-4. Ảnh: Reuters
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton lắng nghe các doanh nghiệp nhỏ trao đổi trong chiến dịch vận động tranh cử tại Norfolk, Iowa ngày 15-4. Ảnh: Reuters

Rất dễ thấy vai trò đáng kể của mạng xã hội trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Bà Hillary Clinton đã chọn YouTube là nơi đầu tiên công bố video tranh cử thay vì tổ chức họp báo như truyền thống. Kể từ sau chiến lược tranh cử trên mạng xã hội thành công của Tổng thống Barack Obama năm 2008, các chính trị gia Mỹ nhận ra họ không nên để lãng phí công dụng tuyệt vời này trong việc gây dựng thương hiệu cũng như kêu gọi các nguồn hỗ trợ tài chính theo cách của mình.

Tranh cử trên mạng xã hội

Việc công bố chiến dịch tranh cử trên mạng xã hội là cách để các ứng viên tự xây dựng thương hiệu trước khi các đối thủ cũng như các phương tiện truyền thông khác kịp có phản ứng. Video tranh cử của bà Clinton tung ra ngày 12-4 là một ví dụ hoàn hảo về điều này.

Thực tế, trong 1,5 phút đầu tiên của video, người ta không thấy hình ảnh bà Clinton. Đoạn video cũng không nhắc tới thời gian bà tham gia Quốc hội, từng là Ngoại trưởng Mỹ hay từng tham gia tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống năm 2008. Thay vào đó là hình ảnh các nhóm công dân Mỹ gồm những người yêu chó, sinh viên, cặp đôi đồng tính và chủ doanh nghiệp nhỏ nói về cuộc sống của mình.

Song song với đó, trên tài khoản Twitter, bà Clinton viết: “Tôi sẽ ứng cử Tổng thống. Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người dân Mỹ đều cần một người bảo vệ, và tôi muốn là người bảo vệ đó”. Đoạn video cùng thông điệp của bà Clinton trên Twitter và Facebook đã xây dựng hình ảnh cựu Ngoại trưởng sẽ là “người bảo vệ” mọi công dân Mỹ.

Những thông điệp đó được công chúng Mỹ đón nhận tích cực. Chỉ trong gần 2 ngày, video tranh cử của bà Clinton đã thu hút hơn 2,2 triệu lượt xem. Từ ngày 17-4, sau khi được thiết kế lại với những hình ảnh và logo tươi tắn hơn, tài khoản Twitter của bà Clinton có thêm 200.000 người theo dõi.

“Tuyên chiến” trên mạng xã hội

Ngay sau động thái tranh cử của bà Hillary Clinton, các đối thủ nhanh chóng có cách phản ứng riêng về thông điệp bà đưa ra. Và phương tiện họ chọn để truyền tải phản ứng cũng là… mạng xã hội.

Thượng nghị sĩ Rand Paul, người từng tuyên bố là ứng cử viên của đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, trên tài khoản Twitter cá nhân đã giễu lại scandal gần đây liên quan việc sử dụng tài khoản email cá nhân của bà Clinton lúc còn giữ cương vị Ngoại trưởng. Một ứng cử viên Tổng thống khác cũng của đảng Cộng hòa -thượng nghị sĩ Ted Cruz - viết trên Twitter: “Thế giới hiện có an toàn hơn vì bà Hillary Clinton từng là Ngoại trưởng không? Không”.

Trong khi đó, những người thuộc hai phe ủng hộ và phản đối bà Clinton cũng bắt đầu “oanh tạc” Twitter với các mã chủ đề. Theo thống kê, hai chủ đề: ủng hộ bà Clinton “Hillary Clinton” và phản đối bà Clinton “#WhyImNotVotingForHillary” đều gần ở mức cao nhất trong biểu đồ mức độ phổ biến các chủ đề trong Twitter.

Nhà báo Brian Stelter của CNN cho biết, 15 phút sau khi chiến dịch tranh cử của bà Clinton bắt đầu, xu hướng chủ đề duy nhất trên mạng Twitter của Mỹ cao hơn chủ đề “Hillary Clinton” “#WhyImNotVotingForHillary”.

Không chỉ mình bà Clinton

Dĩ nhiên bà Hillary Clinton không phải ứng cử viên Tổng thống năm 2016 đầu tiên phát động chiến dịch tranh cử trên mạng xã hội. Cả hai thượng nghị sĩ Ted Cruz và Rand Paul cũng chọn cách tung các video lên mạng để bày tỏ tham vọng chính trị của họ. Ông Ted Cruz viết: “Tôi đang tranh cử vào cương vị Tổng thống và tôi hy vọng sẽ được các bạn ủng hộ!”.

Tuy nhiên, ông Cruz khai thác công dụng mạng xã hội theo phương thức khác với bà Clinton. Ông xem Twitter cũng như nhiều mạng xã hội khác là kênh để hướng những người ủng hộ mình nắm thời gian cụ thể của các chương trình truyền hình trực tiếp. Ông Cruz có vẻ thích sự “tiếp xúc” theo thời gian thực hơn.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Rand Paul chọn cách khác. Sau khi công bố kế hoạch ứng cử Tổng thống ngày 7-4, ông đã mở trang đối thoại trực tiếp với cử tri trên tài khoản Facebook của mình. Đồng thời, ông chuyển tải một phần những chất vấn đó qua ứng dụng Periscope trên nền tảng iOS.

Thực tế cho thấy, cũng giống như các chính trị gia Howard Dean và Barack Obama từng làm trước đó, thượng nghị sĩ Rand Paul đã tận dụng triệt để và hiệu quả những công cụ mạng xã hội cho chiến dịch tranh cử.

Ngày 13-4, thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cũng công bố tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 qua một video quay bằng điện thoại di động để chào mời cử tri đến với chương trình truyền hình chính thức tranh cử lúc 18 giờ hôm đó.

DƯƠNG QUANG

;
.
.
.
.
.