Nhóm họp khẩn cấp tại Luxembourg vào ngày 20-4 sau thảm họa chìm tàu trên Địa Trung Hải làm hơn 700 người di cư thiệt mạng, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ hành động. Hội nghị thượng đỉnh EU cũng dự kiến diễn ra trong tuần này tại Brussels (Bỉ).
Những người nhập cư trái phép được đưa đến cảng Augusta của Ý vào ngày 16-4-2015. Ảnh: AFP |
Đau buồn trước thảm kịch mới nhất ở vùng Địa Trung Hải liên quan đến người di cư - vụ đắm tàu ngày 19-4, có mặt tại cuộc họp khẩn diễn ra ở Luxembourg, Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU Federica Mogherini nói rằng, khối này “không có lời nào bào chữa để không hành động”.
Theo bà Mogherini, các chính phủ châu Âu sẽ hành động để bảo vệ tính mạng của người di cư trên Địa Trung Hải, đồng thời bảo vệ an ninh biên giới và chống nạn buôn người.
Cuộc họp ở Luxembourg được bắt đầu bằng một phút yên lặng để tưởng niệm những người xấu số - những người di cư bất hợp pháp tìm cách đến châu Âu. Hơn 700 người đã chết khi tàu lật úp ở ngoài khơi Libya. Song, những người may mắn sống sót cho hay, khoảng 950 người có mặt trên tàu, trong đó nhiều người bị bọn buôn người nhốt trong hầm rượu.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi cam kết thực hiện mọi nỗ lực để trục vớt con tàu, bảo đảm tất cả các nạn nhân đều được an táng tử tế. Chính phủ Ý đã gây sức ép, buộc châu Âu phải tổ chức họp thượng đỉnh khẩn cấp để đối phó cuộc khủng hoảng, nhất là khi số người di cư chết đuối ở Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay là 1.600 người, gấp 50 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, trong năm 2014, ít nhất 3.500 người đã chết khi băng qua Địa Trung Hải để tiến vào châu Âu, trong đó nhiều người rời bỏ đất nước vì nghèo đói và xung đột ở châu Phi. “Làm thế nào mà hằng ngày chúng ta phải chứng kiến một bi kịch như vậy?”, Thủ tướng Renzi nói.
Ý bị nhiều tổ chức phi chính phủ cho rằng, nếu quốc gia này duy trì chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn mang tên Mare Nostrum ở ngoài khơi thì có thể tránh được thảm họa mới nhất nói trên. Tuy nhiên, Thủ tướng Renzi kêu gọi EU không thể bỏ mặc nước ông một mình đối phó với làn sóng nhập cư trái phép bằng đường biển đang ngày càng gia tăng.
Mare Nostrum bị ngừng từ cuối năm ngoái và được thay thế bằng một hoạt động có quy mô nhỏ hơn mang tên Triton, do EU điều hành. Theo AFP, trong vòng 1 năm, chương trình Mare Nostrum tiêu tốn 9 triệu euro/tháng (9,6 triệu USD), và cứu được khoảng 170.000 người (trung bình 400 người/ngày), đồng thời dẫn đến việc bắt giữ 351 kẻ buôn người.
Reuters cho biết, các ngoại trưởng EU cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn những cái chết của người di cư trên vùng Địa Trung Hải. Cụ thể, châu Âu sẽ gia tăng lực lượng cứu hộ và bắt giữ những kẻ buôn người. Nhiều chính phủ châu Âu miễn cưỡng tài trợ cho các hoạt động cứu hộ ở Địa Trung Hải do lo ngại việc tài trợ sẽ khuyến khích nhiều người tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu lục già cỗi này. Song, châu Âu đang đối mặt với sự bất bình vì cái chết của những người tị nạn. Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni nói với báo giới rằng, điều này đe dọa danh tiếng của EU.
Trong khi đó, bà Mogherini, cũng là người Ý, nhấn mạnh quyết tâm xây dựng “trách nhiệm chung” để đối phó với khủng hoảng và các nhà lãnh đạo EU sẽ có mặt tại Brussels (Bỉ) trong tuần này để bàn về vấn đề người nhập cư trái phép. Bà gọi đó là “nhiệm vụ đạo đức” của EU trong việc tập trung trách nhiệm ngăn chặn những thảm kịch xảy ra tương tự.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người tị nạn chạy sang châu Âu, trong đó có sự bất ổn ở Bắc Phi, các cuộc chiến ở Syria, Iraq và cả nạn buôn người. Thủ tướng Ý Matteo Renzi cho rằng, EU cần giải quyết tận gốc rễ vấn đề, tức phải dẹp được nạn buôn người.
Trước khi xảy ra thảm kịch ngày 19-4, Tổ chức Di cư quốc tế ước tính khoảng 20.000 người di cư đến bờ biển của Ý trong năm nay và 900 người chết.
BÌNH YÊN