.

Châu Âu tìm cách cứu người di cư

.

Năm ngoái, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) quyết định ngừng hoạt động cứu nạn ở Địa Trung Hải, nhưng nay họ ngồi lại để bàn thảo việc thay đổi quyết định.

Tàu chở những người di cư cập cảng Salerno của Ý ngày 22-4.  Ảnh: AP
Tàu chở những người di cư cập cảng Salerno của Ý ngày 22-4. Ảnh: AP

Việc hàng ngàn người di cư bỏ mạng trên vùng biển giữa Ý và Libya chỉ trong một tuần đang gióng lên hồi chuông khẩn cấp.

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 23-4 tại Brussels (Bỉ) trong lúc các nhà lãnh đạo đối mặt với lời kêu gọi phải hành động khẩn cấp để cứu những người di cư ở Địa Trung Hải. Tổng thống Pháp Francois Hollande thậm chí cho rằng, đây không thể là một hội nghị bình thường, bởi cuộc khủng hoảng nhập cư hiện ở mức không thể chấp nhận cả ở khía cạnh nhân đạo lẫn chính trị.

AP cho biết, EU đang xem xét kế hoạch đối phó với khủng hoảng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thúc giục 28 nhà lãnh đạo thống nhất “mọi giải pháp thiết thực”, bao gồm việc thúc đẩy khả năng tìm kiếm và cứu nạn, chống nạn buôn người,… “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi khi nhóm họp vào ngày 23-4 là ngăn chặn có thêm nhiều người chết trên biển”, ông Donald Tusk nói.

Các quan chức EU nói rằng, liên minh cam kết gia tăng gấp đôi quy mô cơ quan biên giới châu Âu ở Địa Trung Hải nhưng những hoạt động này chỉ nhằm giám sát các phong trào di cư. Theo một quan chức cấp cao EU, không kỳ vọng liên minh sẽ “bật đèn xanh” cho dự án thí điểm tái định cư khoảng 5.000 người tị nạn. Kế hoạch tái định cư này liên quan đến khoảng 1/2 số người di cư chỉ trong tuần qua và đây là con số rất nhỏ trong hàng trăm ngàn người di cư liều mạng vượt biển Địa Trung Hải vào năm ngoái.

Các tổ chức Ân xá quốc tế và Các bác sĩ không biên giới muốn các nước nỗ lực để hỗ trợ hàng ngàn người rời bỏ nhà cửa do xung đột, nghèo đói từ những nơi như Syria, Eritrea và Somalia. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết, năm ngoái, 219.000 người tị nạn và di cư đã vượt biển Địa Trung Hải, trong đó ít nhất 3.200 người đã chết. Năm nay, khoảng 1.800 người di cư đã chết ở Địa Trung Hải.

Theo Reuters, châu Âu bị chỉ trích vì đã ngừng hoạt động cứu nạn quy mô lớn của Ý mang tên Mare Nostrum, thay thế bằng chương trình Triton do EU kiểm soát, chủ yếu nhằm tuần tra biên giới lãnh hải. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia châu Âu nhận định việc không thay thế chiến dịch Mare Nostrum mới là điều sai lầm. Trên báo Guardian của Anh ra ngày 22-4, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg viết: “Có quan điểm rằng, sự hiện diện của các tàu cứu nạn khuyến khích người di cư mạo hiểm vượt biển”. Còn các nhóm nhân quyền cảnh báo, chính việc EU thay thế Mare Nostrum làm gia tăng cái chết của những người di cư, đồng thời kêu gọi phải hành động để thay đổi.

Trong khi đó, nhiều nước EU không tin hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đơn thuần có thể giải quyết được căn nguyên khiến người di cư đổ về châu Âu; mà điều quan trọng hơn là phải nỗ lực để chống nạn buôn người. Tổng thống Pháp nói rằng, những kẻ buôn người chính là những tên khủng bố cần bị tiêu diệt. Thủ tướng Ý Matteo Renzi cũng kêu gọi chống nạn buôn người. “Chống lại bọn buôn người cũng là chống lại những kẻ buôn nô lệ của thế kỷ 21. Đây không chỉ là vấn đề về an ninh và khủng bố mà còn là nhân phẩm con người”, ông Renzi tuyên bố.

90% số người nhập cư trái phép vào Ý đến từ Libya và cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này được cho là nguyên nhân cốt lõi mở đường cho những kẻ buôn người đưa người di cư từ châu Phi đến châu Âu. Giới chức Ý dự đoán trong 5 tháng tới, mỗi tuần sẽ có khoảng 5.000 người di cư đến nước này bằng đường biển từ các cảng Bắc Phi nếu không giải quyết được vấn đề.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.