Tại buổi giao lưu trực tuyến với người dân Nga ngày 16-4, Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận những khó khăn của nền kinh tế nước ông và quy trách nhiệm cho phương Tây đối với tình trạng đồng rúp suy yếu, lạm phát tăng cao...
Tổng thống Vladimir Putin giao lưu trực tuyến với người dân Nga. Ảnh: RIA Novosti/AP |
Buổi giao lưu trực tuyến trong chương trình truyền hình “Trò chuyện với ông Vladimir Putin” diễn ra ở thủ đô Mátxcơva thu hút sự chú ý của người dân Nga. Đây là lần thứ 13 ông Putin xuất hiện trước toàn dân trên cương vị lãnh đạo nước Nga. Theo đó, khoảng 2 triệu người đã gửi câu hỏi, nhiều nhất là các câu hỏi về kinh tế của đất nước. Ngoài ra, còn có các vấn đề: phúc lợi xã hội, nhà ở, các dịch vụ địa phương và cả việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Iran…
Cấm vận kích thích tăng trưởng kinh tế
Reuters dẫn lời Tổng thống Putin thừa nhận kinh tế của Nga gặp những khó khăn khi bị tác động bởi giá dầu thô giảm cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông chủ Điện Kremlin đổ lỗi cho phương Tây trong các vấn đề kinh tế của Nga, bao gồm: đồng rúp suy yếu, lạm phát tăng cao 11,4%...
Tuy nhiên, ông nói rằng, Mátxcơva xem việc cấm vận của phương Tây là cách kích thích kinh tế tăng trưởng. Ông kêu gọi người dân không cần chịu đựng cấm vận, mà nên tận dụng hoàn cảnh này để “tiến lên một bước phát triển mới”, bởi chính ông cũng không kỳ vọng Mỹ và EU sẽ sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này.
Cũng theo Reuters, Tổng thống Putin nói rằng, lệnh cấm vận mang động cơ chính trị của các nước phương Tây và ông cáo buộc động thái này nhằm “kiểm soát” Nga. Người đứng đầu nước Nga cho biết, thời gian gần đây, ông đã thảo luận với các lãnh đạo doanh nghiệp về việc Mátxcơva phải chịu các biện pháp trừng phạt. “Tôi nói với họ rằng, chúng ta khó có thể hy vọng cấm vận sẽ được dỡ bỏ ngay lúc này bởi nó mang động cơ chính trị”, ông nói.
Tổng thống Putin dự báo rằng, kinh tế Nga có thể tăng trưởng trở lại trong gần 2 năm tới, sớm hơn dự kiến. Những tín hiệu đáng mừng là đồng rúp đang phục hồi nhanh hơn giá dầu thô, sản lượng nông nghiệp tăng 3,7% và thay thế thực phẩm được nhập khẩu từ phương Tây.
Trong đó, đồng rúp phục hồi là dấu hiệu về niềm tin đầu tư được cải thiện. “Chúng ta đã sống sót và đi qua đáy của vấn đề. Quả thật là chúng ta có vấn đề nhưng tình trạng lạm phát đã thấp hơn khối eurozone. Chính phủ đã hoàn thành kế hoạch chống khủng hoảng và đang triển khai kế hoạch đó”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
“Không có binh sĩ Nga ở Ukraine”
Từ lúc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin tăng vọt, thậm chí lên đến 80%, bất chấp việc kinh tế quốc gia này bị cho là rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga với phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cách đây gần ¼ thế kỷ. Phương Tây tuyên bố có bằng chứng Mátxcơva đã cung cấp binh sĩ và vũ khí cho lực lượng ly khai thân Nga chống lại chính phủ Ukraine. Nga bác bỏ cáo buộc này và cho rằng, chính phương Tây đứng sau cuộc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2 năm ngoái. Lần này, ông Putin tái khẳng định Nga không đưa quân ủng hộ lực lượng ly khai ở đông Ukraine. “Không có binh sĩ Nga ở Ukraine”, ông nói.
AP cho hay, đề cập mối quan hệ giữa Nga với phương Tây, Tổng thống Putin nhìn nhận mối quan hệ này có thể được bình thường hóa nếu phương Tây thể hiện sẵn sàng thỏa hiệp và tôn trọng các lợi ích của Mátxcơva.
Trong khi đó, ông chủ Điện Kremlin cũng chỉ trích Ukraine rằng Kiev vi phạm thỏa thuận hòa bình hồi tháng 2 vừa qua bằng việc duy trì lệnh phong tỏa kinh tế đối với khu vực phía đông, từ chối thanh toán lương hưu và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người dân nơi đây…
S-300 không đe dọa Israel Một vấn đề được đề cập tại buổi giao lưu trực tuyến là chính sách ngoại giao, trong đó có việc Nga quyết định bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Tổng thống Putin nói rằng, việc cung cấp S-300 cho Iran không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào cho Israel mà chỉ là một yếu tố giúp ổn định nếu xét đến bối cảnh trong khu vực. AP dẫn lời nhà lãnh đạo Nga lý giải, quyết định nói trên không mâu thuẫn với việc quốc tế trừng phạt Iran và Tehran đã thể hiện rõ sự nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân với nhóm P5+1. Song, ông Putin khẳng định: Nga sẽ vẫn làm việc với các đối tác trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xung quanh vấn đề Iran. |
PHÚC NGUYÊN