Luật chống khủng bố (POTA) năm 2015 nhằm đối phó với các chiến binh Hồi giáo cực đoan đã được Quốc hội Malaysia thông qua với 79 phiếu thuận, 60 phiếu chống và 9 phiếu trắng. Song, những người chỉ trích cho rằng, luật này là bước lùi về nhân quyền.
Malaysia muốn ngăn chặn mối đe dọa của IS. Trong ảnh: Cảnh sát Malaysia diễn tập chống khủng bố tại Kuala Lumpur ngày 25-3-2015. Ảnh: AP |
AP cho biết, POTA cho phép các nhà chức trách bắt giữ các nghi phạm mà không cần lệnh bắt. Phía cảnh sát sẽ chuyển vụ việc đến công tố viên trong thời gian không quá 7 ngày kể từ ngày bắt giữ nghi can.
Chính phủ Malaysia cho rằng, giải pháp nói trên cần thiết bởi kể từ năm 2013, hàng chục người dân quốc gia Đông Nam Á này đã bị bắt giữ vì tình nghi liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mới đây, ngày 5-4, các nhà chức trách đã bắt 17 người từ 14-49 tuổi, trong đó có 1 chiến binh Indonesia, với cáo buộc âm mưu cướp ngân hàng, tấn công đồn cảnh sát và các doanh trại quân đội để lấy vũ khí.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, POTA tái hiện Luật An ninh nội địa từng bị hủy bỏ vào năm 2012. Theo Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York (Mỹ), POTA là “bước lùi lớn về nhân quyền” ở Malaysia. Phe đối lập trong nước cũng phản đối luật mới này.
Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Zahid Hamidi khẳng định POTA chỉ nhằm ngăn chặn mối đe dọa của IS. “Đây là mối đe dọa thật sự và các giải pháp ngăn chặn là cần thiết”, ông Hamidi nói.
Thêm một vài tuần nữa POTA mới chính thức trở thành luật do phải chờ Thượng viện và Quốc vương thông qua.
BÌNH YÊN