Quốc tế
Nguy cơ khủng hoảng chính trị toàn cầu trong quý 2
ĐNĐT - Những vấn đề gây nhức nhối toàn cầu như sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị gia tăng ở Trung Đông sẽ tiếp tục phủ bóng mây đen lên sự phát triển thế giới trong quý 2 năm nay.
Ngày 15-3 (giờ địa phương), hơn 1 triệu người Brazil đã tham gia vào cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Dilma Rousseff. |
Đây thực sự là những yếu tố có thể gây trở ngại cho sự ổn định trong hệ thống quốc tế khi rủi ro chính trị toàn cầu đang có nguy cơ bùng nổ.
Dưới đây là một số quốc gia (tất nhiên không phải tất cả) có khả năng phải hứng chịu tình hình chính trị bất ổn trong vài tháng tới. Đáng lưu ý, đây là những quốc gia đang làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc về phong trào biểu tình mạnh mẽ liên quan đến bầu cử, suy thoái kinh tế, khủng bố và tranh đấu vì mục tiêu dân chủ.
Châu Á
Thái Lan vẫn là quốc gia đang chìm sâu trong bất ổn chính trị. Tháng 5-2014, quân đội nước này đã tuyên bố đảo chính lật đổ chính phủ của đảng cầm quyền Puea Thai và đình chỉ hiệu lực hiến pháp sau nhiều tháng khủng hoảng chính trị - đánh dấu sự can thiệp lần thứ 12 vào chính trường Thái Lan kể từ khi nước này kết thúc chế độ quân chủ hồi năm 1932. Như là một hậu quả tất yếu, cuộc bầu cử ở nước này phải hoãn tới đầu năm 2016.
Trong khi đó, cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra rầm rộ ở Hồng Kông được “tiếp sức” bởi đông đảo các nhà hoạt động dân chủ. Ở Trung Quốc đại lục, tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang dấy lên sự bất mãn và phản đối mạnh mẽ ở nền kinh tế thứ 2 thế giới. Sự trở lại khu vực phía tây Tân Cương của các cựu binh ISIS thực sự là mối hiểm họa khôn lường de dọa tình hình an ninh nước này. Đáng lưu ý là vấn đề này lại không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Tại Myanmar, bạo lực liên quan đến căng thẳng giáo phái đang diễn ra gay gắt, đặc biệt là sau quyết định của chính phủ khi tước quyền bầu cử của dân tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi ở phía Tây nước này do sức ép từ phía các tín đồ Phật giáo. Căng thẳng ngày càng gia tăng khi hàng trăm sinh viên đại học ở Myanmar tuyên bố tái khởi động các cuộc biểu tình phản đối một đạo luật giáo dục mới ở nước này khi họ cho rằng bộ máy mới này thực sự làm giảm bớt quyền tự chủ.
Châu Phi
Bất ổn chính trị ở Kenya đang làm đau đầu giới chức nước này. Ngày 2-4, các chiến binh al-Shabab đã ra tay sát hại 147 người trong một cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Đại học Garissa ở phía Đông bắc nước này. Nạn nhân của vụ thảm sát kinh hoàng chủ yếu là sinh viên và những người theo đạo Cơ đốc. Người dân Kenya đã biểu tình lên án chính phủ khi bất lực trước sự trỗi dậy của phiến quân mặc dù chính quyền đã tiến hành hàng loạt các cuộc không kích nhắm vào các căn cứ của lực lượng này ở Somalia.
Ở Nigeria, Tổng thống Goodluck Jonathan đã mất vị trí cầm quyền vào tay đảng đối lập sau cuộc bầu cử trong nước. Cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã bị hoãn đến 6 tuần vì tình hình an ninh bất ổn tại nước này.
Việc tổng thống Jonathan và đảng Dân chủ Nhân dân (PDP) của ông mất quyền kiểm soát tại một số bang quan trọng khiến cho việc nhúng tay vào tiến trình bầu cử tại các bang đó trở nên khó khăn hơn. Mặc dù đã giành lại nhiều khu vực từ tay Boko Haram trong thời gian gần đây nhưng điều đó dường như đã quá muộn để ông Jonathan có thể gỡ gạc niềm tin từ người dân.
Châu Âu
Tại Hy Lạp, nhờ nỗ lực của Thủ tướng Alexis Tsipras và các biện pháp chống “thắt lưng buộc bụng” của Đảng Syriza như cấp tem phiếu thực phẩm và điện miễn phí cho người nghèo đã xoa dịu phần nào làn sóng biểu tình chống chính sách trên. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ sớm rơi vào cảnh “rỗng túi”.
Giới quan sát bày tỏ tin tưởng vào cam kết của Thủ tướng Alexis rằng Hy Lạp sẽ thanh toán khoản tín dụng trị giá 467 triệu euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 9-4. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngại về khả năng quốc gia này sẽ không thể trả nợ đúng hạn, và sự thất bại này có thể làm gia tăng bất ổn chính trị trong nước.
Đức cũng khó có thể thoát khỏi bất ổn chính trị trong thời gian tới khi cuộc biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” tại quốc gia này dự đoán có chiều hướng gia tăng.
Tây Ban Nha cũng có thể phải đối mặt với tình trạng tương tự. Bên cạnh sức ép từ các cuộc biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” thì quốc gia này còn đối mặt với làn sóng phản đối bộ luật an ninh công cộng mang tên “Ley Mordaza” ở thủ đô Madrid, khi họ cho rằng bộ luật mới sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận của công dân.
Khu vực Mỹ Latinh
Tại Brazil, những cuộc biểu tình phản đối vụ bê bối tham nhũng tại công ty dầu khí quốc gia, Petrobras, nói riêng và suy thoái kinh tế nói chung tiếp tục được hâm nóng. Hôm 15-3, khoảng 1 triệu người dân Brazil tuần hành khắp nước trong nỗ lực kêu gọi luận tội Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và phản đối nền kinh tế trì trệ, tình trạng lạm phát và tham nhũng. Mặc dù biểu tình khó tạo ra sự thay đổi trong chính quyền Brazil ít nhất trong vòng ba tháng đến, nhưng lại có thể làm giảm khả năng cầm quyền của bà Dilma Rousseff trong thời gian tới.
Trong khi đó, người dân Ecuador tỏ ra bất lực trong công cuộc chống đối các chính sách kinh tế, lao động và xã hội của Tổng thống Rafael Correa, cũng như những thay đổi trong Hiến pháp cho phép ông nắm quyền vô thời hạn.
Ở Venezuela, Tổng thống Nicolas Maduro đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình chống lại những chính sách kinh tế thất bại của chính phủ (một số khách sạn phải đề nghị khách hàng tự mang theo giấy vệ sinh và xà phòng để sử dụng do khan hiếm hàng hóa nghiêm trọng), và chống bạo lực (cuộc biểu tình năm ngoái khiến 43 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương).
Anh Thư - Mai Dung (theo The WorldPost)