.

Nước Anh trước thềm tổng tuyển cử: Khó khăn của Thủ tướng David Cameron

.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cảnh báo, nếu đảng Bảo thủ của ông David Cameron giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới thì quốc gia châu Âu này sẽ rơi vào tình trạng bất ổn về kinh tế.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố ủng hộ lãnh đạo Công đảng Ed Miliband.  						Ảnh: PA
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tuyên bố ủng hộ lãnh đạo Công đảng Ed Miliband. Ảnh: PA

Tròn một tháng nữa (tức vào ngày 7-5), cuộc tổng tuyển cử mới chính thức diễn ra ở Anh. Song, kế hoạch trưng cầu dân ý vào năm 2017 của Thủ tướng David Cameron về việc nước Anh có nên rời Liên minh châu Âu (EU) hay không khiến ông bị chỉ trích gay gắt. Nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ trung hữu đã cam kết nếu ông tiếp tục làm Thủ tướng thì sẽ đàm phán về mối quan hệ giữa Anh với EU và sau đó tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của xứ sở sương mù tại liên minh này.

Hãng AFP dẫn lời cựu Thủ tướng Tony Blair phát biểu tại Sedgefield (phía bắc nước Anh) ngày 7-4 rằng, kế hoạch trưng cầu dân ý đang đe dọa nền kinh tế của quốc gia. Ông Blair giữ cương vị Thủ tướng Anh suốt 10 năm (1997-2007), từng giành thắng lợi trong 3 cuộc tổng tuyển cử năm 1997, 2001 và 2005, đã tuyên bố “hoàn toàn ủng hộ” ông Ed Miliband, lãnh đạo Công đảng, đồng thời muốn đảng này giành chiến thắng “vì tương lai của đất nước”.

Theo ông Blair, việc rời EU sẽ tạo sự mất an ninh về việc làm và mang lại “bất trắc lơ lửng đối với nền kinh tế Anh”. “Nếu Anh bỏ phiếu rời EU, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng bất ổn nhất kể từ Thế chiến thứ hai đến nay”, cựu Thủ tướng 61 tuổi nói.

Không những thế, theo hãng Bloomberg, ông Blair còn gọi cuộc trưng cầu dân ý là “một canh bạc hoàn toàn không chấp nhận được đối với tương lai của đất nước”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg cũng cảnh báo Thủ tướng Cameron về kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý. Ông Clegg cáo buộc ông Cameron đang đe dọa đến nền kinh tế vì đã tạo ra “tình trạng không rõ ràng” về vị trí của nước này trong EU.

Thực tế, vấn đề “đi hay ở” của Anh trong EU đã nóng lên từ lâu, xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng của châu Âu. Nhiều quốc gia ở châu lục già cỗi này lao đao và sau 4 thập niên gắn bó với EU, Anh nhận thấy không những không nhận được lợi ích từ liên minh này mà còn chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng.

Nhiều cảnh báo được đưa ra xung quanh việc Anh muốn từ bỏ EU. Chẳng hạn, động thái này sẽ tác động đến nước Anh và cả EU cũng như thế giới, đồng thời ảnh hưởng đến vai trò, quan hệ của London với phần còn lại của thế giới; hay Anh sẽ có thể mất khoảng 82 tỷ USD/năm cho đến năm 2030, số tiền đủ để gây ra một cuộc khủng hoảng; khoảng cách giàu - nghèo cũng sẽ tăng…

Riêng việc tổ chức trưng cầu dân ý sẽ tiêu tốn của London hàng tỷ bảng. Trong khi đó, thăm dò dư luận cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có 6 người khẳng định sẽ tham gia bỏ phiếu nếu diễn ra trưng cầu dân ý. 38% số người được hỏi cho rằng, nước Anh sẽ tốt hơn sẽ rời EU và 35% có suy nghĩ ngược lại.

Việc Anh muốn rời EU vấp phải sự chỉ trích của nhiều thành viên EU và cả ở trong nước. Đây là khó khăn của Thủ tướng Cameron khi phải đối mặt cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Theo thăm dò mới nhất của BBC, đảng Bảo thủ chỉ giành được 34% số phiếu, Công đảng giành 33% và đảng Độc lập Anh (UKIP) giành 13%. Kể từ những năm 1920, không đảng nào trong số đảng Bảo thủ và Công đảng chiếm đa số tại Hạ viện gồm 326 ghế nên phải liên minh với các đảng nhỏ hơn. Tổng tuyển cử vào ngày 7-5 tới được cho là cuộc cạnh tranh giữa ông Cameron và ông Ed Miliband.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.