Ngay sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Tehran, Moskva đã có một loạt những động thái tăng cường hợp tác với quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp với đồng cấp người Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP |
Nhanh chân trước Mỹ và phương Tây
Ngày 15-4, Ravil Maganov, Phó Chủ tịch thứ nhất Lukoil tuyên bố tập đoàn năng lượng lớn thứ hai tại Nga này sẽ mở cửa trở lại văn phòng tại Tehran để xúc tiến các hoạt động đầu tư tại Iran. “Chúng tôi mong đợi sẽ triển khai một số dự án ở Iran ngay sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ hoàn toàn”, ông Maganov nói. Hiện dự án Anaran là ưu tiên hàng đầu của Lukoil và tập đoàn cũng đang nghiên cứu các dữ liệu địa chấn đối với nhiều dự án khác. Mỏ Anaran nằm trên khu vực biên giới Iran-Iraq, được Lukoil triển khai từ năm 2003, nhưng đã buộc phải ngưng lại sau khi các lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào Tehran được dựng lên.
Trước đó một ngày, Điện Kremlin xác nhận việc các công ty Nga đang bốc xếp, vận chuyển ngũ cốc, thiết bị và vật liệu xây dựng tới Iran theo một hợp đồng hàng đổi hàng. Đó được xem là bước đi đầu tiên bảo đảm chỗ đứng của Nga tại một thị trưởng mới kể từ khi phương Tây áp cấm vận chống Moskva. Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời cũng ký sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran, mở đường để thỏa thuận được hai bên ký kết hồi năm 2007 sẽ được hoàn tất trong năm nay sau quãng thời gian dài trì hoãn.
Hôm 2-4 vừa qua, Iran và Nhóm P5+1 đã ký thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Tehran, hướng tới hoàn tất thỏa thuận toàn diện vào cuối tháng 6 tới. Tuy chưa công bố chính thức, nhưng các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, châu Âu và Mỹ nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, năng lượng của Iran có thể sẽ được dỡ bỏ. Mỹ chưa có động thái nào cho thấy sẵn sàng bước chân vào thị trường Iran, trong khi các đồng minh phương Tây vẫn tỏ ra sốt sắng hơn. Trong một vài tuần tới, một đoàn các nhà đầu tư châu Âu tới Tehran để khảo sát các cơ hội đầu tư kinh doanh tại nền kinh tế quy mô lớn thứ 2 khu vực Trung Đông.
Những tính toán của Nga
Iran đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt dõi theo, khi triển vọng ký kết thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran ngày một sáng sủa. Nicholas Banszky, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư First Frontier nhận định, Iran có tiềm năng cực lớn về thu hút đầu tư. Charles Robertson, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Renaissance Capital có trụ sở tại London thì bình luận, chẳng có nước nào "được” như Iran – quốc gia nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới khi vẫn đóng cửa với giới đầu tư quốc tế và đây sẽ là cơ hội không thể bỏ qua.
Giới phân tích Nga nhìn nhận, việc Iran trở thành quốc gia “bình thường” sẽ tốt cho Nga. Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn, nhưng các doanh nghiệp Nga vẫn có nhiều lợi thế hơn các đối tác Mỹ tại thị trường Iran, bởi Mỹ vẫn còn là biểu tượng thù địch mà chưa thể xóa nhòa trong thời gian ngắn. Ngoài các dự án của Gazprom và Lukoil, tập đoàn Rosatom của Nga cũng đang tìm kiếm cơ hội xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Iran.
Ở tầm chiến lược, bước đi tiến của Nga tại Iran sẽ giúp nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Moskva tại Trung Đông vốn tụt lại khá xa so với Mỹ trong nhiều năm trở lại đây. Xa hơn, Iran có thể sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tăng thêm tiếng nói, sức mạnh cho Nga trong các vấn đề tại Trung Á và Afghanistan. “Trong suy tính chiến lược của Nga, Iran sẽ có vai trò ngày một lớn. Điện Kremlin và Tổng thống Vladimir Putin đã đi tới kết luận, quan hệ Nga - Iran sẽ phải được thúc đẩy”, ông Kayhan Barzegar, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Trung Đông có trụ sở tại Tehran, bình luận.
Theo Tin tức