Tòa án Nhật Bản không cho phép tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân ở phía tây nước này. Chính phủ Tokyo đang gặp khó khăn trong việc trở lại năng lượng hạt nhân sau khủng hoảng Fukushima năm 2011.
Nhiều người tập trung bên ngoài tòa án tỉnh Fukui, ủng hộ phán quyết không cho tái khởi động các lò phản ứng Takahama. Ảnh: AP |
Hãng Reuters gọi quyết định của tòa án tỉnh Fukui là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo đó, hai lò phản ứng số 3 và 4 của nhà máy Takahama (thuộc Công ty điện lực Kansai - KEPCO) nằm dọc vịnh Wakasa, không được phép hoạt động trở lại, mặc dù các cơ sở này đã vượt qua đợt sát hạch do Cơ quan Pháp quy hạt nhân (NRA) Nhật Bản tiến hành trước đó và dự kiến tái khởi động trong năm nay. Tòa án bác bỏ sự phê chuẩn của NRA với lý do được đưa ra là lò phản ứng số 3 và 4 chưa có các bằng chứng đáng tin cậy về mức độ an toàn nếu xảy ra động đất.
Điều đáng nói là tòa án chỉ trích các tiêu chuẩn an toàn của NRA quá lỏng lẻo, ngay cả với các yêu cầu được cho nghiêm khắc hơn sau cuộc khủng hoảng Fukushima. Theo phán quyết, các tiêu chuẩn mới không bảo đảm an toàn cho các lò phản ứng Takahama.
KEPCO tuyên bố sẽ kháng cáo, đồng thời gọi phán quyết nói trên là “vô cùng đáng tiếc và không thể chấp nhận được”. KEPCO khẳng định sự an toàn của các lò phản ứng Takahama đã được các nhà quản lý công nhận. Là một trong những công ty điện lực phụ thuộc vào điện hạt nhân, KEPCO ước tính thiệt hại hằng năm khoảng 161 tỷ yen (1,33 tỷ USD) và tổng thiệt hại kể từ thảm họa Fukushima năm 2011 đến nay là 744 tỷ yen. KEPCO cho rằng, công ty này sẽ còn thiệt hại hơn nữa do phán quyết nói trên của tòa.
Trong khi đó, người dân địa phương không muốn hai lò phản ứng số 3 và số 4 hoạt động. Họ cho rằng, kế hoạch tái khởi động vô hình trung đã đánh giá thấp nguy cơ xảy ra động đất, không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm khắc và thiếu các giải pháp sơ tán đáng tin cậy. Bởi lẽ, thực tế, động đất bất ngờ có thể dẫn đến sự cố, gây phát tán chất phóng xạ.
Những người ủng hộ phán quyết đã tập trung bên ngoài tòa án, bày tỏ sự vui mừng. “Ngành tư pháp vẫn sống”, những người này nói. Một luật sư gọi phán quyết của tòa là “chiến thắng hoàn hảo”, là “quyết định tốt nhất mà chúng tôi mong đợi”.
Trong số 48 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đang ngừng hoạt động, chỉ hai lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Sendai của Công ty điện lực Kyushu (KYUDEN) vượt qua sát hạch an toàn sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Song, nhà máy Sendai đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại.
AP cho biết, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân và nhấn mạnh rằng việc đóng cửa các lò phản ứng gây ảnh hưởng không tốt đến kinh tế Nhật Bản. Đối với ông Abe, việc nối lại hoạt động hạt nhân, vốn cung cấp 1/3 lượng điện cho đất nước trước khi xảy ra khủng hoảng Fukushima, là vấn đề then chốt giúp giải bài toán tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi hai thập niên tăng trưởng “thiếu máu”.
Tuy nhiên, ông Abe đối mặt với sự phản đối của công chúng bởi người dân xứ sở hoa anh đào khiếp sợ trước khủng hoảng Fukushima - thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ vụ Chernobyl năm 1986. Nhiều người dân Nhật hiện vẫn chưa thể trở về nhà do lo ngại ảnh hưởng của phóng xạ. Không những thế, các nhà khoa học cảnh báo, trong nhiều thập niên tới, người dân có thể không thể sinh sống ở một số khu vực xung quanh nhà máy Fukushima.
Trao đổi với báo giới ngày 14-4, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho hay, chính phủ đang theo sát tiến triển của các lò phản ứng Takahama. “Quan điểm của chính phủ không có gì thay đổi trong việc tôn trọng quyết định của NRA và tiếp tục tái khởi động các nhà máy”, ông Suga nhấn mạnh.
BÌNH YÊN