Liên minh châu Âu (EU) đề xuất gia tăng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn gấp đôi khi số người chết trong vụ đắm tàu chở người nhập cư ở ngoài khơi Libya hôm 19-4 lên 800 người.
Những người sống sót trong vụ đắm tàu ngày 19-4 được đưa đến cảng Catania của Ý. Ảnh: AP |
Những cái chết thật sự gây sốc đối với EU khi châu lục này đang đối mặt với khủng hoảng nhập cư. Một vấn đề được đặt ra: việc giảm quy mô hoạt động cứu nạn vào năm ngoái dường như chỉ gia tăng rủi ro cho người di cư chứ không làm giảm số người từ châu Phi và Trung Đông muốn vượt biên để vào châu Âu. Vì vậy, các nhà lãnh đạo EU muốn gia tăng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn gấp đôi; đồng thời châu Âu phải hành động mạnh mẽ hơn.
Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng, tình hình ở Địa Trung Hải hiện gay cấn. “Không thể tiếp tục như thế này”, ông Donald Tusk nói. Đồng thời, người đứng đầu EC kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 23-4 tới sẽ bàn thảo giải pháp đối phó với nạn buôn người và thúc đẩy những nỗ lực cứu nạn. Các ngoại trưởng EU khi nhóm họp tại Luxembourg đã đề ra kế hoạch hành động gồm 10 điểm, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ở Ý Carlotta Sami cho biết, số người chết trong vụ đắm tàu chở người nhập cư ở ngoài khơi Libya hôm 19-4 lên đến 800 người, thay vì con số hơn 700 người như thống kê ban đầu. Trong khi đó, Thủ tướng Malta Joseph Muscat cho hay, có đến 900 người thiệt mạng, một con số kỷ lục trong những năm gần đây liên quan đến cái chết của những người di cư. Hơn nữa, đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng di cư ở Địa Trung Hải.
27 người sống sót đã đến Ý trên tàu của lực lượng tuần tra biển. Giới chức đã bắt giữ thuyền trưởng và thuyền phó vì nghi ngờ họ tham gia buôn người. Các công tố viên Ý ngày 20-4 cho biết, họ cũng bắt giữ 24 nghi phạm buôn người đã tổ chức đưa hàng ngàn người Ethiopia và Eritrea đến quốc gia châu Âu này. Song, chưa rõ họ có liên quan đến thảm họa mới nhất hay không. “Cuộc điều tra đang tiếp tục và chúng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm những người liên quan đến các vụ việc gần đây”, một cảnh sát của Ý nói với báo giới.
Điều đáng nói là Thủ tướng Ý Matteo Renzi so sánh nạn buôn người trên vùng Địa Trung Hải với tình trạng mua bán nô lệ châu Phi cách đây vài thế kỷ. Ông kêu gọi EU không bỏ mặc Rome đơn độc đối phó làn sóng người nhập cư bằng đường biển ngày càng tăng.
Về phía Úc, Thủ tướng Tony Abbott ngày 21-4 thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu thực hiện các giải pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn sau cái chết của hơn 700 người di cư ở ngoài khơi Libya. AP cho biết, Thủ tướng Abbott gọi cuộc khủng hoảng mới nhất ở Địa Trung Hải này là “một thảm kịch khủng khiếp”, đồng thời đề nghị châu Âu theo mô hình của Úc để bảo đảm sự việc kinh hoàng này không lặp lại. Chính phủ của ông Abbott đã thực thi chính sách nghiêm khắc bằng việc cho các tàu, thuyền chở người tị nạn quay về nhằm ngăn cản họ tìm cách đến nước Úc.
Sự lựa chọn duy nhất đối với những người tị nạn là sống trong các trại tập trung trên đảo Manus thuộc Papua New Guinea hay đảo Nauru trên Thái Bình Dương, hoặc hồi hương và được hưởng khoản trợ cấp nhất định của Úc. Chính sách của Canberra từng bị cho là hà khắc nhưng thực tế mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng di cư đến nước này.
Phát biểu với báo giới ở thủ đô Canberra, Thủ tướng Abbott khẳng định: Cách duy nhất để những cái chết không xảy ra là phải ngăn tình trạng buôn người và ngăn những chiếc tàu chở người tị nạn. Theo Tổ chức Di cư quốc tế, hơn 1.750 người đã thiệt mạng ở Địa Trung Hải kể từ đầu năm đến nay, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
PHÚC NGUYÊN