.

Thế giới nhìn lại Chiến thắng 30-4

.

Trong những ngày tháng 4 này, báo chí quốc tế có nhiều bài viết đề cập Chiến thắng 30-4 của Việt Nam cách đây tròn 40 năm.

Nhà báo Peter Arnett (thứ ba, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp Matt Franjola (trái) và George Esper (thứ hai, từ phải sang) đã có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30-4-1975. (Ảnh chụp ngày 30-4-1975).     						Ảnh: AP
Nhà báo Peter Arnett (thứ ba, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp Matt Franjola (trái) và George Esper (thứ hai, từ phải sang) đã có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30-4-1975. (Ảnh chụp ngày 30-4-1975). Ảnh: AP

40 năm trôi qua, đối với thế giới, ngày 30-4-1975 là một sự kiện lịch sử, đánh dấu sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ nhưng là bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam.  

Nhân dân Việt Nam anh hùng

Tờ Nhật báo tổng hợp Mỹ Latinh tại Argentina số ra ngày 23-4 vừa qua đăng bài viết tựa đề “40 năm nhân dân Việt Nam anh hùng đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược” ca ngợi Chiến thắng 30-4 của Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh: “Ngày 30-4-1975, Sài Gòn đã được giải phóng và đây là cột mốc đánh dấu thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam sau bao năm chiến đấu hy sinh gian khổ, thống nhất đất nước”.

Theo TTXVN, bài báo nói trên được đăng ở chuyên mục Quốc tế, điểm lại Chiến dịch Tây Nguyên kéo dài từ ngày 4-3 đến 3-4-1975, mở màn cho cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, do Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động. Theo Nhật báo tổng hợp Mỹ Latinh, cuộc tấn công này mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự sụp đổ với “hiệu ứng domino” của quân đội Mỹ. Trong chiến dịch này, lực lượng vũ trang, nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã kề vai sát cánh làm nên chiến thắng. Đây là kết quả của 30 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ của nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Tờ báo cũng đăng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình xe tăng Quân đội giải phóng tiến vào Dinh Độc lập giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong khi đó, tờ Tổng hợp Mỹ Latinh đăng lại bài viết của TTXVN về những chiến công lẫy lừng của lực lượng đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài viết với tựa đề “Lực lượng đặc công Việt Nam, những điều chưa kể” khẳng định những đóng góp mang tính chiến lược của đội quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Lực lượng đặc công Việt Nam đã trở thành nỗi ám ảnh đối với đội quân xâm lược. Những câu chuyện và những chiến công lẫy lừng đã được các cựu sĩ quan và lính đặc công kể lại sinh động, ấn tượng như việc lực lượng này tấn công kho vũ khí lớn nhất của quân đội Mỹ tại sân bay Biên Hòa; câu chuyện của các chiến sĩ “người nhái” chiếm 14 cây cầu dẫn vào Sài Gòn bảo đảm an toàn cho đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố.

Bộ phim tài liệu sống động

Nhật báo Denver Post của Mỹ ra ngày 26-4 đăng tải bài viết: “40 năm sau, Những ngày cuối cùng ở Việt Nam là thước phim tài liệu sống động”. Những ngày cuối cùng ở Việt Nam là phim tài liệu do đạo diễn Rory Kennedy thực hiện, được sản xuất và công chiếu vào năm 2014. Bộ phim từng được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim tài liệu dài hay nhất nói về sự sụp đổ của chế độ Mỹ - ngụy trước lực lượng Quân đội Nhân dân và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1975. Câu chuyện được kể lại dưới góc nhìn của người Mỹ cũng như lực lượng đồng minh tại miền Nam Việt Nam và khán giả để có thể nhận thức rõ giá trị của bộ phim.

Báo Denver Post viết: Bộ phim bắt đầu với Hiệp định Paris năm 1973, Henry Kissinger và Richard Nixon có kế hoạch rút quân trong khi miền Bắc Việt Nam tiếp tục phản đối chiến tranh...

Trong khi đó, bài viết của nhà báo Peter Arnett do AP đăng tải ngày 25-4 có tựa đề: “Chính quyền Sài Gòn thất thủ - quan điểm của một nhà báo về cuộc chiến tranh kết thúc ở Việt Nam”. Ngày 30-4-1975, Arnett cùng các đồng nghiệp của AP là Matt Franjola và George Esper đã có mặt để chứng kiến thời khắc lịch sử; để rồi 40 năm sau, Arnett viết cuốn hồi ký “Chính quyền Sài Gòn thất thủ”, ghi lại những gì ông đã trải qua trong chiến tranh ở Việt Nam.

Còn tại Cuba, ngày 24-4, nữ nhà báo Martha Rojas, cựu phóng viên chiến trường của Cuba ở Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, đã đề cập những kỷ niệm về cuộc kháng chiến cam go, gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng của nhân dân Việt Nam, đồng thời bày tỏ lòng cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lãnh đạo cách mạng lịch sử khác của Việt Nam. Phát biểu của bà Rojas được đưa ra tại buổi tọa đàm và chiếu phim kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 do Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) tổ chức. Bà Rojas cho rằng, Chiến thắng 30-4 không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Việt Nam mà còn trên thế giới.

Theo TTXVN, 2 bộ phim đã được ICAP trình chiếu là phim tài liệu Tháng Tư năm Mão tại Việt Nam (El abril en Vietnam el año del Gato) của nhà làm phim Cuba Santiago Álvarez về cuộc kháng chiến chống Mỹ với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và phim Chào mừng tới Việt Nam” (Welcome to Vietnam), giới thiệu hình ảnh một Việt Nam hòa bình, thống nhất, tự do, đổi mới và phát triển.

Sau khi chính quyền Sài Gòn thất thủ vào ngày 30-4-1975, hãng AFP của Pháp bình luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa. Chiến sự Sài Gòn - Gia Định kết thúc. Sự kiện này ảnh hưởng to lớn đến khu vực trên thế giới trong tương lai”.

Báo Los Angeles Times viết: “Người Mỹ ra đi, người Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam”.

Tờ New York Post nêu rõ: “Việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là sự hy sinh vô ích về sinh mạng, tiền của người Mỹ và là một chương bi thảm trong lịch sử nước Mỹ”.

THIÊN BÌNH tổng hợp

;
.
.
.
.
.