Việc Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) ra đời vào cuối năm nay với 100 tỷ USD vốn ban đầu được cho là kéo theo một trật tự kinh tế khu vực do Trung Quốc dẫn dắt. Song, đây lại là thất bại bẽ bàng của Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 5, hàng trước, từ trái sang) và các đối tác tại lễ ra mắt AIIB ở Bắc Kinh ngày 24-10-2014.Ảnh: Reuters |
Đến nay, khoảng 50 nước đã tuyên bố tham gia AIIB. Trong số 7 nước công nghiệp phát triển (G7), 4 quốc gia (Anh, Đức, Pháp và Ý) đều đăng ký gia nhập ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng. Canada cũng đang xem xét việc gõ cửa AIIB và dự kiến đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD. Như vậy, trong khối G7, chỉ có Mỹ và Nhật Bản còn đứng ngoài.
Anh là đồng minh đặc biệt của Mỹ nhưng lại qua mặt “ông lớn” này và nổ phát súng đầu tiên trong việc tham gia AIIB. Sau đó, Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Ý và Luxembourg lần lượt tiếp bước Anh.
Brazil, đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, góp mặt “vô điều kiện” tại AIIB. Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào cuối tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov nói rằng, Mátxcơva không thể đứng bên lề. Đài Loan cũng góp vốn 100 triệu USD và có thể sẽ trở thành thành viên của AIIB với tên gọi “Đài Bắc, Trung Quốc”.
Điều đáng nói nữa là Hàn Quốc và Úc - hai đồng minh khác của Mỹ, bất chấp sự phản đối của cường quốc hàng đầu thế giới, đã ghi tên vào AIIB. Thậm chí, ngay cả Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng nói rằng, IMF sẵn sàng hợp tác với AIIB. Điều này minh chứng AIIB khi ra đời sẽ tác động đến kinh tế thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh muốn tạo ra một thiết chế kinh tế lớn do nước này dẫn đầu và AIIB ra đời sẽ là “bản đồng ca của tất cả các nước”, chứ không riêng gì của Bắc Kinh. Song, giới phân tích cho rằng, AIIB sẽ là một thách thức lớn đối với các thể chế truyền thống đang tồn tại: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay IMF.
Thực tế, nếu từ chối AIIB, các nước châu Âu sẽ bỏ qua một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng địa - chính trị mạnh nhất thế giới. Vì vậy, bất chấp áp lực từ Mỹ, khi kinh tế châu Âu đang ảm đạm, các nước ở lục địa già cỗi này đang khát vốn thì không có lý do gì chịu từ bỏ lợi ích của mình.
Mặc dù không muốn làm mích lòng Mỹ và biết cuộc chơi của AIIB đương nhiên kèm theo những điều kiện nhất định, thậm chí có thể có những rủi ro, nhưng châu Âu vẫn đặt lợi ích lên hàng đầu, lựa chọn việc xích lại gần Trung Quốc. Hơn nữa, WB và IMF, các thiết chế tài chính do Washington thiết lập sau Thế chiến thứ hai, rồi cả ADB, hiện đều không đáp ứng nhu cầu phát triển của các nước.
Báo Global Times gọi việc các nước châu Âu gia nhập AIIB là “chiến thắng rõ ràng” của Bắc Kinh. “Nhiều nhà phân tích tin rằng, tình hình hiện tại cho thấy, Mỹ không thể kiểm soát được sự trỗi dậy của Trung Quốc”, báo này viết. Cũng theo Global Times, khi Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đua xung quanh AIIB thì nước này cũng giành được một số quyền quan trọng trong tương lai.
Báo New York Times gọi đây là “sự đáng xấu hổ” của Mỹ. Vấn đề đặt ra lúc này là trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, chính phủ của Tổng thống Barack Obama sẽ ứng xử như thế nào khi không những chịu đòn giáng nặng nề về ảnh hưởng kinh tế mà còn về cả chính sách tái cân bằng khu vực mà Washington đang theo đuổi?
Ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie - Tsinghua cho rằng, thay vì tẩy chay hoặc gây sức ép níu kéo các đồng minh, Mỹ nên khôn ngoan hơn bằng cách giữ một vai trò trong AIIB để tác động vào quá trình hình thành cũng như hoạt động của ngân hàng này. Cũng theo nhiều nhà phân tích khác, cách tốt nhất là Mỹ nên phớt lờ AIIB, cứ để tổ chức này tự nhiên hoạt động.
VĨNH AN