.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Thương vụ S-300: Nga không để mất cơ hội

.

Theo báo Washington Post, với việc cung cấp tên lửa S-300 cho Iran, Nga không để mất cơ hội tốt nhất trong việc tiến vào thị trường của nước Cộng hòa Hồi giáo này trước khi các biện pháp trừng phạt của quốc tế được dỡ bỏ.  

Dự kiến Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran vào cuối năm nay. 		   Ảnh: AP
Dự kiến Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran vào cuối năm nay. Ảnh: AP

Việc Nga bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran gây nhiều tranh cãi trong tuần qua. Sau 5 năm thực thi cấm vận, động thái của Nga tạo ra mối quan ngại cho Mỹ và Israel. Đối với Mỹ, việc Nga quyết định cung cấp tên lửa S-300 cho Iran là dấu hiệu mới nhất cho thấy mâu thuẫn giữa Washington với Mátxcơva chưa được tháo gỡ, ngay cả khi Tehran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân.

Đối với Israel, thương vụ trên là mối đe dọa bởi S-300 có thể vô hiệu hóa cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở phát triển hạt nhân của Iran. S-300 được thiết kế nhằm phát hiện, tiêu diệt tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay ở độ cao thấp, phù hợp với nhu cầu của Tehran khi nước này đang thiếu một hệ thống tên lửa có thể ngăn chặn các máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ hoặc Israel.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, nước ông không có lý do gì để duy trì lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, đồng thời nhấn mạnh đây hoàn toàn là vũ khí phòng thủ. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cũng tuyên bố Mátxcơva không vướng rào cản quốc tế nào đối với việc cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa S-300. “S-300 không phải là loại vũ khí tấn công mà là hệ thống phòng không để phòng thủ. Mỹ thừa nhận S-300 không vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc (LHQ). Vì sao chúng tôi không thể cung cấp những vũ khí phòng thủ cho nước nào đó?”, ông Antonov nói.

Song, chuyên gia Nga Georgy Mirsky nghiên cứu về Trung Đông nói: “Một vài năm trở lại đây, tôi nghe một trong các nhà ngoại giao của chúng tôi nói rằng, một Iran thân Mỹ nguy hiểm hơn đối với chúng tôi hơn là một Iran có hạt nhân”. Lý giải của ông Mirsky không được xem là phát biểu chính thức nhưng nói đúng suy nghĩ của nhiều người ở Điện Kremlin, nhất là khi Mỹ đang muốn xoa dịu căng thẳng với Tehran.

Năm 2007, Nga đồng ý bán 5 hệ thống tên lửa S-300 cho Iran với trị giá hợp đồng 800 triệu USD. Song, sau khi LHQ áp đặt lệnh trừng phạt Iran, năm 2010, Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev tham gia vụ trừng phạt và hủy bỏ thương vụ mua bán tên lửa với Tehran. Điều này làm nước Cộng hòa Hồi giáo tức giận, đệ đơn lên Tòa án trọng tài quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ), yêu cầu Nga bồi thường 4 tỷ USD. Nhưng lần này, Iran xem quyết định của Nga là một bước tiến lớn để duy trì an ninh lâu dài tại Trung Đông. Theo đó, Mátxcơva có thể cung cấp S-300 cho Tehran vào cuối năm nay.

Trong khi đó, dù không hài lòng nhưng Mỹ vẫn thừa nhận động thái của Nga không vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ, không tác động đến “sự nhất quán” của Mátxcơva về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Tổng thống Barack Obama còn bày tỏ “không hề ngạc nhiên” về “thương vụ đáng kể” giữa Nga với Iran. Thậm chí, Tổng thống Obama nói rằng, điều mà ông ngạc nhiên là Nga trì hoãn lệnh cấm cung cấp S-300 cho Iran lâu đến vậy.

Theo các nhà phân tích, Nga muốn hâm nóng quan hệ với Iran, muốn tranh thủ sự ủng hộ của Tehran trong ván địa chính trị với Mỹ. Thực tế, Nga và Iran là đồng minh, đang chịu các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Vì vậy, bước đột phá S-300 sẽ giúp Nga và Iran cùng đối phó sự can thiệp của Mỹ ở Trung Đông. Đối với Nga, việc Tehran xích lại gần Mátxcơva tốt hơn là xích lại gần Washington.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.