Quốc tế

Thỏa thuận không đủ mạnh

07:47, 16/04/2015 (GMT+7)

Quốc hội Mỹ sẽ quyết định ủng hộ hay bác bỏ thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran. Nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng, thỏa thuận này không đủ mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc đàm phán tại Lausanne (Thụy Sĩ). Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc đàm phán tại Lausanne (Thụy Sĩ). Ảnh: AP

Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã thống nhất trao quyền cho Quốc hội xem xét, thẩm định thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran. Đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ Dân chủ đã gây áp lực với Tổng thống Barack Obama để ủy quyền cho Quốc hội xem xét bất kỳ đàm phán nào về hạt nhân, trong đó có đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức).

Các nghị sĩ cho rằng, thỏa thuận vừa đạt được hồi đầu tháng 4 tại Thụy Sĩ không rõ ràng và không đủ mạnh để buộc Iran từ bỏ chương trình làm giàu uranium, đồng thời muốn duy trì các biện pháp trừng phạt quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này. Thượng nghị sĩ Ben Cardin của đảng Dân chủ nói rằng, Nhà Trắng không thể gỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran nếu không được sự cho phép của Quốc hội.

Song, phát biểu tại Đức, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ tin tưởng cơ quan lập pháp Mỹ sẽ phê chuẩn thỏa thuận để “làm thế giới an toàn hơn”. Việc Tổng thống Obama đồng ý để Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền có tiếng nói trong thỏa thuận hạt nhân với Iran được cho là sự nhượng bộ đáng kể của ông.

Về phía Iran, ngày 15-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Marzieh Afkham khẳng định Tehran sẽ không cho phép các vấn đề chính trị nội bộ của Mỹ làm chệch hướng đàm phán hạt nhân. Dự kiến đàm phán hạt nhân sẽ được nối lại vào ngày 21-4 tới. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Iran và nhóm P5+1 đạt được bước đột phá về thỏa thuận khung.

Thỏa thuận cuối cùng giữa Iran và P5+1 sẽ phải đạt được vào ngày 30-6. Song, để các bên thật sự “bắt tay” nhau, vẫn còn hàng loạt vấn đề cần được giải quyết. Reuters cũng cho biết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15-4 nhấn mạnh ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với các cường quốc nếu tất cả biện pháp cấm vận chống lại nước của ông không được dỡ bỏ. “Nếu không kết thúc cấm vận thì sẽ không có thỏa thuận”, ông Rouhani phát biểu trên đài truyền hình tại thành phố Rasht, phía bắc Iran.

Iran muốn toàn bộ lệnh cấm vận phải được gỡ bỏ cùng lúc với ký thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố sẽ tháo dỡ dần dần các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Rouhani cũng khẳng định những gì mà Thượng viện và Quốc hội Mỹ nói đều không phải là vấn đề của Iran. “Chúng tôi muốn sự tôn trọng lẫn nhau… Chúng tôi đàm phán với các cường quốc chứ không đàm phán với Quốc hội Mỹ”, ông Rouhani nói.

Hiện một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đến thủ đô Tehran để đàm phán với các quan chức nước này về các vấn đề vướng mắc. AP cho hay, các thanh sát viên IAEA muốn điều tra những nghi ngờ rằng Iran vẫn tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân - một cáo buộc vốn bị Tehran bác bỏ.

Nội dung trọng tâm là kiểm tra hoạt động thử nghiệm các thiết bị nổ tại bãi thử ở thành phố Marivan, phía tây Iran, gần biên giới Iraq. Báo cáo của IAEA năm 2011 cho rằng, các cuộc thử nghiệm chất nổ quy mô lớn đã được thực hiện tại Marivan.

PHÚC NGUYÊN

.