.
70 NĂM CHIẾN THẮNG PHÁT-XÍT

Bản anh hùng ca bất tận

.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva ngày 9-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, chiến thắng này mãi mãi là bản anh hùng ca bất tận trong lịch sử.

Xe phóng đạn của tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa di động Yars - vũ khí hiện đại nhất thế giới tham gia diễu binh. 							(Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)
Xe phóng đạn của tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa di động Yars - vũ khí hiện đại nhất thế giới tham gia diễu binh. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát-xít có sự hiện diện của 27 lãnh đạo các nước. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân tham dự sự kiện này.

Nga đã có màn diễu binh lớn nhất trong lịch sử nước này, với sự tham gia của nhiều quân chủng, binh chủng cùng các trang thiết bị vũ khí nổi tiếng đồng hành với quân đội Liên Xô trong chiến tranh vệ quốc trước đây và nước Nga ngày nay; đáng chú ý là siêu xe tăng Armata T-14, pháo Koalitsiya-SV, pháo tự hành SU-100, xe bọc thép Tiger, xe chiến đấu đổ bộ BMD-4...

Reuters cho biết, khoảng 16.000 binh sĩ tham gia màn diễu binh cùng 200 thiết bị quân sự hạng nặng như một động thái biểu dương sức mạnh quân sự của Nga, trong lúc Mátxcơva đang có mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Mỹ và châu Âu.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn các nước đồng minh chủ chốt trong Thế chiến thứ hai như Mỹ, Anh, Pháp, đã cùng tham gia đánh đổ phát-xít. Ông cũng bày tỏ sự biết ơn đến mặt trận chống phát-xít của các nước khác, trong đó có cả Đức. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin nói: “Chiến thắng này mãi mãi là bản anh hùng ca bất tận trong lịch sử của chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cần nhớ ơn các đồng minh trong cuộc chiến chống Hitler…”.

Ông Putin nói rằng, sự tàn khốc của chiến tranh cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế, nhưng “những thập niên quá khứ, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực để tạo ra một thế giới đơn cực”. Theo Reuters, cụm từ “thế giới đơn cực” thường được Nga đề cập để chỉ trích mục đích thống trị các vấn đề thế giới của Mỹ.

Tối 9-5, ước tính 300.000 người tuần hành khắp trung tâm Mátxcơva đến Quảng trường Đỏ, mang theo chân dung của người thân đã tham gia Thế chiến thứ hai. Tổng thống Putin cũng có mặt trong dòng người này và mang theo bức ảnh người cha của mình.

Thế chiến thứ hai kéo dài từ năm 1939-1945, có liên quan đến 61 quốc gia. Phe đồng minh gồm Liên Xô, Mỹ, Pháp và Trung Quốc cùng nhiều nước khác đã đánh bại phe trục gồm Đức, Ý, Nhật để giải cứu thế giới khỏi ách phát-xít, góp phần quan trọng gìn giữ nền hòa bình thế giới. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi nói rằng, không ai có thể phủ nhận vai trò của Nga/Liên Xô trong cuộc chiến chống phát-xít và lịch sử cũng sẽ không bao giờ quên điều này”.

Song, buổi lễ lần này vắng mặt hầu hết các lãnh đạo châu Âu. Ngày 10-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đến Mátxcơva để đặt hoa tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô và gặp gỡ Tổng thống Putin. Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối tham dự sự kiện này, còn lãnh đạo các nước đồng minh Anh và Pháp cử ngoại trưởng đến Mátxcơva.

Theo AP, sự lạnh nhạt của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với Ngày Chiến thắng càng minh chứng căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Khi phương Tây vẫn duy trì lệnh cấm vận đối với Nga, trục của Mátxcơva đang “xoay chiều” từ châu Âu sang tập trung phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong Thế chiến thứ hai, Liên Xô ước tính đã mất khoảng 27 triệu người, trong đó có 8 triệu binh sĩ và chiến thắng của Hồng quân là niềm tự hào rất lớn của dân tộc Nga. Hơn 70% số người Nga cho hay, họ có ít nhất một thành viên trong gia đình đã chết hoặc mất tích trong Chiến tranh vệ quốc nên Ngày Chiến thắng đã trở thành một biểu tượng cảm xúc về sự thống nhất đất nước.

Hãng AP dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội mô-tô nước Nga, ông Alexander Zaldostanov rằng “Cuộc diễu binh để lại 3 thông điệp: kẻ thù sẽ bị tiêu diệt, chiến thắng là của chúng ta, nước Nga tiến về phía trước”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.