Lần đầu tiên nhiếp ảnh gia tự do Valentino Bellini chứng kiến cuộc sống ở một bãi rác điện tử tại châu Phi, anh rất sốc. “Nó giống như địa ngục”, anh nói vậy qua điện thoại với đồng nghiệp ở nhà.
Những cậu bé kiếm sống bằng nhặt phế liệu ở bãi rác điện tử tại Agbobloshie của thủ đô Accra (Ghana). Ảnh: Valentino Bellini |
Lần đầu tiên Bellini biết một bãi rác thải điện tử là vào năm 2012, khi anh đến vùng Agbogbloshie, nơi được mệnh danh là bãi rác điện tử lớn nhất thế giới. Khu vực này nằm giữa thành phố Accra của Ghana - nơi tập kết của hàng ngàn tấn rác thải đồ điện tử của thế giới.
Rác sẽ tăng chứ không giảm
Ấn tượng mà khu bãi rác ở Agbogbloshie để lại với Bellini quá lớn, tới mức nó khiến tay máy 31 tuổi người Palermo của Ý quyết định thực hiện một dự án riêng có tên Bit Rot (website của dự án: http://www.bitrotproject.com/). Đây là nơi Bellini đăng tải các bức ảnh về những khu bãi rác điện tử trên thế giới và các câu chuyện liên quan. Dự án đã đưa Bellini chu du khắp thế giới, từ những khu tái chế rác ở Trung Quốc tới những kho chứa đồ ở Pakistan.
Theo báo cáo của dự án Step-initiative (Liên Hợp Quốc - LHQ), năm 2013, trung bình mỗi người dân Mỹ thải ra 30 kg rác thải điện tử và rác sẽ chỉ ngày càng tăng thêm chứ không giảm.
Cứ với tốc độ xả thải loại rác đặc biệt này như hiện nay, trong 4 năm tới, tổng khối lượng rác thải điện tử toàn cầu dự kiến tăng thêm 33%. Tờ Guardian so sánh theo cách để dễ hình dung thì khối lượng rác đó sẽ bằng khối lượng của 8 chiếc kim tự tháp của Ai Cập cộng lại. Và cũng theo tờ Atlantic, 80% trong tổng số rác thải điện tử sẽ tiếp tục chất đống vào những khu bãi rác khổng lồ tương tự như ở Agbogbloshie.
Nhưng điều khiến nhiếp ảnh gia Bellini trăn trở nhất khi quan sát những người đang mưu sinh bên khu bãi rác điện tử khổng lồ Agbogbloshie là trong số đó có quá nhiều em ở độ tuổi học sinh trung học. Các em đang đập vỡ các vỏ đồ điện tử cũ hỏng để lấy kim loại ra bán đồng nát. Bellini nói: “Mọi người không hiểu là họ đang làm gì cũng như không biết về mối nguy hiểm họ đang phải đối mặt”.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người kiếm sống trên các bãi rác điện tử đó đã tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất và kim loại độc hại như chì, catmi, crom, PCB (nhóm hỗn hợp gồm tới 209 loại hóa chất khác nhau) và nhiều kim loại độc hại khác.
Tại bãi rác Agbogbloshie, theo tờ Guardian, những người mưu sinh tại đó gặp đủ chuyện liên quan tới sức khỏe. Họ bị bỏng, bị hỏng mắt, bị các bệnh về lưng, phổi, liên tục sống trong cảm giác buồn nôn, chán ăn, đau đầu hay những trục trặc về hô hấp.
Với mong muốn có thể góp phần thay đổi chút gì đó cho đời sống của những người mình đã gặp và chụp, nhiếp ảnh gia Bellini cho biết, anh hy vọng việc phơi bày cuộc sống cùng cực của những người đang hằng ngày trực tiếp đối mặt với nguy hiểm chết người từ những bãi rác điện tử khổng lồ, anh có thể giúp các quốc gia đối diện và giải quyết vấn đề này thiết thực hơn.
Nghiên cứu của Đại học LHQ
Nghiên cứu mới công bố của Đại học LHQ (UNU) có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã công bố những số liệu gây sốc về tình hình sản sinh rác điện tử (tiếng Anh là “e-waste”) của thế giới. Theo đó, báo cáo khẳng định, việc giải quyết rác thải điện tử là vấn đề nan giải và rất lớn với cả các nước phát triển và đang phát triển.
Theo thống kê của UNU, chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn thế giới thải ra 41,8 triệu tấn rác điện tử trong khi chỉ mới tái chế được gần 14% trong đó. Tổng số rác thải điện tử trong năm 2014 được thống kê gồm: 12,8 triệu tấn rác vật dụng kích thước nhỏ (như máy hút bụi, lò vi sóng, máy cạo râu, máy quay phim…); 11,8 triệu tấn rác vật dụng kích thước lớn (như máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, lò nướng…); 7 triệu tấn rác là thiết bị điều chỉnh nhiệt độ (máy lạnh, tủ đông,…); 6,3 triệu tấn rác màn hình; 3 triệu tấn rác linh kiện điện tử nhỏ và 1 triệu tấn rác các loại bóng đèn.
Có 2 cách nhìn về những núi rác thải điện tử này. Một cách mà UNU gọi là “mỏ khoáng sản ở thành thị”. Theo đó, khối lượng rác điện tử năm 2014 chứa 52 tỷ USD tiềm năng tài nguyên có thể tái chế với khoảng 16,5 triệu tấn sắt, 1,9 triệu tấn đồng và 300 tấn vàng (tương đương 11% tổng sản lượng vàng sản xuất được năm 2013).
Nhưng còn một cách nhìn thứ hai mà UNU gọi là “mỏ độc hại” với khoảng 2,2 tấn thủy tinh chì, 0,3 tấn pin cùng hàng loạt các loại hóa chất độc hại khác và 4.400 tấn chlorofluorocarbon (còn gọi khí CFC) gây thủng tầng ozone.
Mỹ và Trung Quốc là hai nước “đóng góp” tới gần 1/3 tổng lượng rác thải điện tử của thế giới. Song, tính theo đầu người thì các quốc gia giàu có ở châu Âu lại xả nhiều rác nhất. Đó là các nước Na Uy, Switzerland, Iceland, Đan Mạch và Vương quốc Anh.
DƯƠNG QUANG