.
Câu chuyện quốc tế

Các "đại gia" thâu tóm đất nông nghiệp

.

Khi dân số thế giới vượt mốc 7 tỷ người, đất nông nghiệp và nước sạch ngày càng trở thành nguồn tài nguyên quý giá. Đó là lý do vì sao một số doanh nghiệp và nhà đầu tư thế giới dốc tiền vào những phi vụ thâu tóm đất nông nghiệp ở nước ngoài.

Theo tạp chí Vox của Mỹ, có thể thấy những đại gia nổi trong thị trường mua bán đất nông nghiệp ở nước ngoài hiện nay là các thương nhân phố Wall, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc và những người đứng đầu hoàng tộc ở các quốc gia vùng Vịnh. Các thương vụ mua bán đất bắt đầu bùng nổ từ năm 2007, thời điểm giá gạo tăng vọt khiến nhà nhà lo ngại về tình trạng thiếu lương thực.

Việc mua bán đất nông nghiệp giúp những nước như Trung Quốc và Saudi Arabia bảo đảm nguồn cung thực phẩm cũng như bảo tồn nguồn nước tại nước họ. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định: Những thương vụ mua bán đất làm dấy lên cái gọi là “tình trạng thâu tóm đất đai”, khi các quan chức nắm quyền trong việc này tại những nước như Ethiopia hay Campuchia áp dụng những biện pháp cưỡng chế để thu hồi đất của người dân sở tại.

Mua bán đất nông nghiệp ngày càng phổ biến

Theo nghiên cứu năm 2014 đăng trên tạp chí Environmental Research Letters, hiện có ít nhất 126 quốc gia trên thế giới tham gia các thương vụ mua, bán đất nông nghiệp. Mua tích cực nhất là các nhà đầu tư ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức, Ấn Độ và Hà Lan. Họ chủ yếu tìm kiếm những mảnh đất tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á; cụ thể là ở các nước: Brazil, Ethiopia, Philippines, Sudan, Madagascar, Mozambique và Tanzania.

Các nhà nghiên cứu Jonathan Seaquist, Emma Li Johnansson và Kimberly Nicholas- tác giả của công trình nói trên - lập bảng thống kê phân chia tỷ lệ mua (nhập khẩu) và bán (xuất khẩu) đất nông nghiệp của từng quốc gia. Chẳng hạn, trong khi Trung Quốc mua đất nông nghiệp ở 33 nước và chỉ bán đất cho 3 nước khác thì Ethiopia bán đất cho 21 quốc gia khác nhau và không mua đất của bất cứ nước nào.

Trong một nghiên cứu khác vào năm 2013 đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academies of Sciences (PNAS), ước tính từ 0,7 - 1,75% đất nông nghiệp thế giới đã được các chủ đất địa phương bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Tổng diện tích đã bị bán đó ước tính lớn hơn diện tích của hai nước Đức và Pháp gộp lại.

Nghiên cứu đăng trên PNAS cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài thường mua những vùng đất có đủ nguồn cung cấp nước sạch, căn cứ vào lượng mưa tại đó hoặc các tầng nước ngầm. Nước sạch đang trở thành nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá với những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, các quốc gia này không chọn cách nhập khẩu lương thực mà mua luôn đất nông nghiệp, một phần vì những lợi ích tiềm năng rất lớn thu được từ việc mua lại và cải thiện những khu đất kém phát triển tại những vùng như châu Phi.

Paolo D’Odorico, một trong các nhà nghiên cứu là tác giả công trình đăng trên PNAS, lý giải: “Đây thường là những khu đất tốt cho nông nghiệp nhưng chưa được khai thác tối đa. Nó đang được người dân sở tại canh tác trong điều kiện không công nghệ hiện đại, không hệ thống tưới tiêu và không phân bón”.

Sau khi mua được đất, các tập đoàn nông nghiệp lớn đến và thay đổi phương thức canh tác để gặt hái những mùa vụ bội thu.

Nguy cơ bạo lực từ trưng thu đất

Về lý thuyết, các thương vụ mua, bán đất mang lại lợi ích cho cả hai bên khi nhà đầu tư với nguồn vốn và kỹ thuật canh tác tốt hơn đổ vào nâng cao năng suất ở những nơi trình độ và năng lực canh tác kém. Thực tế, trong nhiều trường hợp, mọi việc đúng như vậy.

Tuy nhiên, ở một số khu vực, công đoạn đầu tiên trong quá trình thâu tóm đất đai địa phương để bán cho người nước ngoài nảy sinh những vấn đề rất đáng quan ngại.

Năm 2012, Tổ chức giám sát nhân quyền công bố báo cáo về tình trạng chính phủ Ethiopia đã dùng áp lực buộc hàng chục ngàn người dân phải bỏ đất đai của họ để có mặt bằng bàn giao cho các nhà đầu tư từ Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh thuê.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Campuchia. Theo một số ước tính của các chuyên gia cung cấp cho tạp chí Vox, đến nay, Campuchia đã bán hoặc cho thuê 2/3 diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nhất của nước này cho các tổ chức kinh doanh nông nghiệp nước ngoài.

Ngay cả ở những nơi không xảy ra xung đột bạo lực liên quan việc mua bán đất nông nghiệp, một số nhà quan sát cũng cảnh báo việc các hợp đồng giao dịch đất đai có thể gây ra những khúc mắc không dễ giải quyết.

Báo cáo năm 2010 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nông dân ở một số nước nghèo thường không được tham gia đàm phán công bằng trong những giao dịch mua bán như thế. Ở một số khu vực tại châu Phi, những người đứng đầu một làng thường đại diện cộng đồng của họ trong các hợp đồng mua, bán đất nhưng người dân không được biết gì về việc này.

Nhiều nhà phân tích khác cho rằng, thật kỳ quái khi chính những nước đang rất chật vật để có đủ lương thực cho người dân nước họ lại đang từ bỏ quyền kiểm soát tài nguyên đất đai và nước sạch của mình.

Chẳng hạn, nghiên cứu của PNAS cho thấy, trong lúc chính phủ Sudan cho nhà đầu tư nước ngoài thuê gần hết những diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nhất của nước này ở hai bờ sông Blue Nile (một trong hai nhánh của sông Nile) để họ trồng trọt và xuất khẩu lương thực, thì hầu hết người dân Sudan đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cứu trợ lương thực và các thực phẩm được trợ giá.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.