Có một xu hướng tất yếu đang diễn ra, các sân bay đang chạy đua trong việc định danh đẳng cấp của họ theo sao giống như cách phân loại các khách sạn lâu nay.
Nhà hàng Thái Lan có tượng một chú voi lớn tại sân bay Munich được xếp thứ 3 trong số top 5 sân bay được hành khách ưa chuộng nhất thế giới. Ảnh: New York Times |
Sân bay Munich của Đức vừa tuyên bố đã trở thành “sân bay 5 sao đầu tiên của châu Âu”. Thương hiệu “sân bay 5 sao” của sân bay Munich được trao vào giữa tháng 3 năm nay cùng với 4 sân bay quốc tế khác từ hãng nghiên cứu đi lại bằng đường không Skytrax có trụ sở tại London.
Skytrax đã căn cứ kết quả các cuộc điều tra thăm dò của họ với hơn 13 triệu hành khách đi máy bay trong năm 2014.
Cuộc chạy đua trong “thế giới sao” của các sân bay quốc tế cho thấy một thực tiễn: những nội hàm trong khái niệm về chất lượng phục vụ thế nào là tốt nhất của một sân bay đã thay đổi rất nhiều trong 25 năm qua.
Sân bay không chỉ là một nhà ga
Các sân bay một thời chỉ được coi là những nơi cần đáp ứng các nhu cầu thực tế nhất như một vài cuốn tạp chí, cửa hàng bán bánh kẹo, nước ngọt và là chỗ để hành khách lên và xuống máy bay thì nay đã trở thành những trung tâm sinh hoạt giải trí, mua sắm với rất nhiều tiện ích. Người ta có thể thấy nhiều sân bay có các gallery nghệ thuật, các khu vườn tích hợp ngay trong sân bay, rạp chiếu phim, các khu mua sắm với rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn…
“Bạn đã bao giờ bay qua sân bay Kuala Lumpur chưa?”, giảng viên về truyền thông liên văn hóa Sharon M. Schweitzer và cũng là người thường xuyên phải di chuyển vì công việc nói. “Khi tới đó, bạn có cảm giác mình đang ở một nơi giống như rừng nhiệt đới vậy. Sân bay của Singapore lại là một ví dụ khác. Họ có vườn bướm, vườn hoa hướng dương, nơi mà bọn trẻ có thể ngồi vẽ ở đó và họ có cả rạp chiếu phim nữa”.
Những hành khách thường xuyên di chuyển trên các chuyến bay của nhiều hãng hàng không Mỹ sẽ cảm thấy kinh ngạc trước những trải nghiệm ở sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc. Tại đó có cả một sân golf rộng 250m2 phục vụ hành khách.
Rõ ràng có một thực tế đang diễn ra, các sân bay lớn trên thế giới hiện nay đều đang có những nâng cấp đáng kể trong 25 năm qua nhằm hiện đại hóa hơn và đem về nhiều doanh thu hơn.
Sân bay Mỹ đã “tốt hơn”, nhưng chưa “tốt nhất”
Thực tế này có vẻ như tạo ra một quan điểm ngược so với những gì đang diễn ra trong lĩnh vực hàng không. Trong khi các sân bay đang cố gắng tạo sức hấp dẫn và thoải mái với mọi hành khách thì dường như nhiều hãng hàng không lại ra sức cắt giảm các dịch vụ cung cấp trên khoang máy bay, ngoại trừ khi bạn đi bằng vé hạng doanh nhân.
Các nghiên cứu điều tra với hành khách toàn cầu luôn dẫn tới kết quả cho thấy những sân bay được xếp hạng cao nhất đều thuộc về châu Á. Điều tra năm 2015 cũng không ngoại lệ, trong top 5 trong danh sách 100 sân bay trên thế giới được hành khách đánh giá tốt nhất thì đã có tới 4 sân bay thuộc châu Á. Đứng số 1 là sân bay Changi của Singapore, thứ 2 là sân bay Incheon của Hàn Quốc, thứ 4 là sân bay quốc tế Hong Kong và thứ 5 là sân bay Haneda của Nhật Bản.
Mỹ không có sân bay nào lọt top 25, mặc dù trong top 40 thì có tên các sân bay Cincinnati, Denver và San Francisco.
Kể từ năm 2008, các sân bay ở Mỹ đã cam kết dành 52 tỷ USD cho các dự án cải thiện vốn đầu tư, nhiều dự án vẫn đang tiếp tục. Trên toàn cầu, các dự án như thế có tổng giá trị 385 tỷ USD vẫn đang được thực hiện, dẫn đầu là Trung Quốc và Trung Đông. Đây là các ước tính của Trung tâm tư vấn hàng không CAPA.
Các sân bay Mỹ cho biết, họ cần tiền thuế của liên bang chi thêm cho các dự án cải thiện vốn đầu tư để đuổi kịp với các sân bay quốc tế, nhất là để thu hút nhiều hơn khách đi lại vì công việc, lượng khách chiếm tới 15% tổng số hành khách đến Mỹ bằng đường không.
Cũng có ý tưởng đề xuất về việc nên tăng phí sử dụng các cơ sở hạ tầng của sân bay (Passenger Facility Charge) thêm 4 USD/khách. Mức phí đã được các hãng hàng không Mỹ bắt đầu thu từ năm 2001 và theo quy định không vượt quá 4,50 USD/khách. Tuy nhiên, đề xuất này bị nhiều tổ chức kinh doanh dịch vụ đi lại trong hoạt động công vụ phản đối với lý do các sân bay đã bỏ túi quá nhiều tiền từ nguồn thu bán lẻ, bán thức ăn, phí đậu đỗ xe và nhiều nguồn thu khác.
Nguồn thu đáng kể
Nghiên cứu của một tổ chức thương mại hàng không nội địa Mỹ năm 2013 cho thấy rõ tầm quan trọng của nguồn thu từ các dịch vụ không liên quan tới việc “bay” của sân bay. Năm 2012, doanh thu từ những hoạt động như thu phí trông giữ, đậu đỗ xe, phí phương tiện di chuyển đi lại, cho thuê ô-tô, bán thức ăn, nước ngọt… là 7,56 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu từ các loại phí cho phép khai thác sân bay hạ cánh do các hãng hàng không trả cũng chỉ là 9,31 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong mắt của những chuyên gia bảo vệ quyền lợi hành khách, xu hướng hiện đại hóa và gia tăng các tiện ích phục vụ tại sân bay chưa hẳn đã hay. Ông Ralph Nader, nhà hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng và từng là ứng viên tranh cử tổng thống cho biết, ông đã bay từ năm 1950 và theo quan sát của ông, sự thay đổi của môi trường mua sắm là những biến chuyển lớn nhất tại các sân bay.
Ông nói: “Chúng (các sân bay) đang trở thành các trung tâm mua sắm. Bạn phải rất mất công mới có thể tìm thấy những thông tin cơ bản cần thiết ở sân bay giữa những biển hiệu lấp loáng và các chuỗi cửa hàng giăng mắc đó”.
TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo New York Times)