.

Châu Á đối mặt khủng hoảng di cư

.

Các nước châu Á đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư khi hàng nghìn người di cư, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya thiểu số ở Myanmar và Bangladesh, tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, với mong muốn đặt chân đến Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Những người Rohingya lênh đênh trên thuyền ở ngoài khơi Thái Lan.Ảnh: AFP
Những người Rohingya lênh đênh trên thuyền ở ngoài khơi Thái Lan.Ảnh: AFP

Những người di cư đã bị mắc kẹt trên các con thuyền lênh đênh ở các vùng biển Đông Nam Á, chỉ với một ít thức ăn và không biết sẽ đi đến nơi nào. Người phát ngôn Cao ủy về tị nạn của Liên Hợp Quốc (LHQ - UNHCR) Adrian Edwards phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) rằng, gần 4.000 người đến từ Myanmar và Bangladesh đang lênh đênh trên biển. Song, theo người phát ngôn của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) Joe Lowry, có đến 8.000 người vẫn ở ngoài biển.

Ngày 19-5, những người đứng đầu cơ quan nhân quyền và cơ quan tị nạn của LHQ kêu gọi Indonesia, Malaysia và Thái Lan đưa những người tị nạn đang bị kẹt ở ngoài khơi lên bờ. Trong một tuyên bố, các cơ quan LHQ cho rằng, 3 nước châu Á nói trên và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên ưu tiên hàng đầu việc cứu sống những người tị nạn bằng các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, sau đó mới tính đến các biện pháp dài hạn.

Tuyên bố này cũng nhấn mạnh: Những người nhập cư nên được sống trong những khu vực an toàn, bảo đảm các điều kiện nhân đạo, chăm sóc y tế và sau đó được xác định xem họ có cần sự bảo vệ bởi họ là những người tị nạn, người không quốc tịch hoặc nạn nhân của bọn buôn người.

Tuyên bố còn cho biết, kể từ năm 2014 đến nay, có hơn 88.000 người Rohingya di cư lênh đênh trên biển và riêng trong quý 1 năm nay có 25.000 người. Trong đó, gần 1.000 người được cho là đã thiệt mạng, do nhiều nguyên nhân: điều kiện sống bấp bênh, bị những kẻ buôn người ngược đãi và có cả nguyên nhân: chính họ đã tàn sát lẫn nhau để giành thức ăn và nước uống.

Cụ thể, ngày 19-5, một cuộc hỗn chiến khủng khiếp đã xảy ra trên chiếc tàu ở ngoài khơi Indonesia. Những người Rohingya di cư từ Bangladesh và Myanmar đến tỉnh Aceh (Indonesia) đã tàn sát lẫn nhau để tranh giành thực phẩm khiến ít nhất 100 người chết, nhiều người khác bị thương. Theo các nhà quan sát, vụ việc cho thấy sự thảm khốc của cuộc khủng hoảng di cư tại Đông Nam Á và gióng lên hồi chuông báo động về một giải pháp cấp bách đối với vấn đề này.

Trong khi đó, Indonesia, Malaysia và Thái Lan vấp phải sự chỉ trích của quốc tế vì đã không cho tàu chở những người tị nạn Rohingya thiểu số vào bờ. AFP dẫn lời ông Adrian Edwards cho biết, trong 9 ngày qua, có tổng cộng 1.396 người đến Indonesia, 1.107 người đến Malaysia và 106 người đến miền nam Thái Lan. UNHCR thậm chí lo ngại khi có những thông tin rằng, Indonesia và Malaysia có thể buộc các thuyền chở người tị nạn quay trở lại điểm xuất phát, tức Myanmar và Bangladesh.

Vài ngày trước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Wan Junaidi Tuanku Jaafar khẳng định nước ông không thể tiếp tục chứa hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp. Khoảng 25.000 người Bangladesh và Rohingya đã lên thuyền để đến Malaysia trong 3 tháng đầu năm nay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

Trong số những người lên thuyền để tiến vào Malaysia, nhiều người đã đến Thái Lan và bị những kẻ buôn người giam giữ tại các lán trại trong rừng rậm. Song, chiến dịch truy quét của Thái Lan đã buộc họ phải lên thuyền và tiếp tục lênh đênh trên biển. Giới chức Malaysia cho rằng, tình trạng di cư ồ ạt là hậu quả của nạn buôn người từ Myanmar và Bangladesh đến 3 quốc gia Đông Nam Á. Cũng trong ngày 19-5, chính phủ Malaysia cam kết hợp tác với các đối tác trong khu vực và quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố ủng hộ sáng kiến của Thái Lan tổ chức hội nghị khu vực tại Bangkok vào ngày 29-5 tới để bàn thảo vấn đề nói trên, tìm ra “giải pháp toàn diện”. Ông Ban Ki-moon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực tham dự hội nghị. Còn UNHCR gọi vấn đề này là một thách thức xuyên biên giới và không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết mà cần có sự phối hợp.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.