.

Chiến thắng ngọt ngào của ông Cameron

.

Thủ tướng Anh David Cameron gọi việc bất ngờ giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7-5 vừa qua là “chiến thắng ngọt ngào”.

Với 330/650 ghế giành được tại Hạ viện, đảng Bảo thủ sẽ thành lập chính phủ mà không cần liên minh với đảng nào, nghĩa là kết thúc 5 năm liên minh với đảng Dân chủ Tự do. Điều đáng nói là đảng đối lập - Công đảng chỉ giành được 232 ghế và thủ lĩnh đảng này, ông Ed Miliband, đã phải tuyên bố từ chức. Mọi dự đoán trước  đó đều cho rằng, đây là cuộc đua sít sao giữa hai chính đảng lớn và sẽ không đảng nào giành đa số phiếu để có thể tự đứng ra lập chính phủ.

Trong khi đó, đảng Dân tộc Scotland (SNP) của nữ thủ lĩnh Nicola Sturgeon giành được 56 ghế trong tổng số 59 ghế nghị sĩ của xứ Scotland, trở thành đảng lớn thứ ba. Đảng Dân chủ Tự do của Phó Thủ tướng Nick Clegg giành được 8 ghế và ông này cũng phải từ chức. Đảng Độc lập Anh (UKIP) của ông Nigel Farage với chủ trương chống nhập cư và EU có 1 ghế. Các đảng còn lại được 22 ghế.

Reuters cho biết, 2 thông điệp tranh cử mà Thủ tướng David Cameron đặt ra trong 6 tuần qua là: bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ để bảo đảm khôi phục kinh tế và ngăn Công đảng trở lại nắm quyền với sự hậu thuẫn của các nhà dân tộc SNP.

Tuy nhiên, AFP cho rằng, nhiệm kỳ hai của ông Cameron sẽ không “dễ thở” như nhiệm kỳ đầu, với “các vấn đề gai góc” là châu Âu và Scotland. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Cameron khẳng định sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào cuối năm 2017 về tư cách thành viên của Anh trong EU. Nhà lãnh đạo này muốn thúc đẩy việc ở lại liên minh nhưng chỉ khi nào ông bảo đảm được các cải cách, chẳng hạn việc thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và kiểm soát nhập cư cũng như các quyền hạn của London.

Đối với tương lai của Scotland, CNN thậm chí vẽ ra một kịch bản cực đoan: cử tri Anh lựa chọn rời EU, dẫn đến việc Scotland tìm cách chia tay Vương quốc Anh để gia nhập EU. Thực tế, khi SNP trở thành đảng lớn thứ ba tại Hạ viện thì có thể thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý khác về việc tách Scotland khỏi Vương quốc Anh vào năm 2016. Một yêu cầu đặt ra với ông Cameron là phải đảm sự toàn vẹn của Vương quốc Anh. Ông cũng từng hứa trao quyền tối đa cho Scotland để thuyết phục xứ này không tách khỏi Anh trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm ngoái.

Nội các mới của Anh sẽ được công bố vào ngày 11-5 tới.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.