.

Cuba và Hoa Kỳ sắp bổ nhiệm đại sứ

.

Hãng tin AFP cho biết, hôm12-5, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã khẳng định quá trình đàm phán với Mỹ tiến triển tốt và hai nước có thể sẽ bổ nhiệm đại sứ sau ngày 29-5, ngày Washington có thể công bố rút Cuba khỏi danh sách các nước tài trợ "khủng bố".

Cái bắt tay lịch sử giữa Raul Castro và Barack Obama ngày 11/04/2015 tại Thượng đỉnh Châu Mỹ ở Panama.
Cái bắt tay lịch sử giữa Raul Castro và Barack Obama ngày 11-04-2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama.

Phát biểu trước báo chí, Chủ tịch Raul Castro cho biết, thời hạn 45 ngày để Quốc hội lưỡng viện Mỹ cho ý kiến về đề xuất rút Cuba khỏi danh sách đen của Tổng thống Obama sẽ kết thúc ngày 29-5. Sau đó, hai nước có thể bổ nhiệm đại sứ.

Từ Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết, việc trao đổi đại sứ là bước tiếp theo, tuy nhiên, ông nhấn mạnh, hiện chưa có ngày cụ thể để bổ nhiệm các chức vụ trên.

Để nối lại bang giao với Mỹ, bị cắt đứt từ năm 1961, Cuba đưa ra yêu cầu tiên quyết rút tên nước này khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.

Ngay từ tháng 12-2014, Chủ tịch Raul Castro cho biết quá trình xích lại gần nhau giữa hai nước tiến triển tốt và theo đúng tiến độ. Ông nhấn mạnh hai nước có thể mở rộng quan hệ thông qua các đại sứ của mỗi bên, song "vấn đề bình thường hóa quan hệ lại là một chủ đề khác".

Ông nhắc lại La Habana yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận (có hiệu lực từ năm 1962) và trả lại cho Cuba căn cứ quân sự Guantanamo. Luật Helms-Burton được ban bố năm 1996 thắt chặt cấm vận với Cuba hơn, với mục đích cấm tuyệt đối mọi giao dịch kinh tế và tài chính với đảo quốc này. La Habana thường xuyên lên án lệnh cấm vận kinh tế khiến Cuba thiệt hại hơn 100 tỉ đô la.

Tổng thống Mỹ Obama đã yêu cầu Quốc hội lưỡng viện, hiện đang do đảng Cộng hòa chiếm đa số, xem xét bãi bỏ cấm vận, vì chỉ cơ quan lập pháp này mới có thẩm quyền quyết định, song cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ vẫn bất đồng về chủ đề trên. Về vấn đề đóng cửa nhà tù Guatanamo, chính phủ Mỹ đã có kế hoạch, nhưng không có ý định trả lại cho Cuba vùng đất chiếm giữ từ năm 1903.

Vẫn theo phát biểu của Chủ tịch Cuba do AFP dẫn lại, hai bên hiện đang thảo luận về các hoạt động của cơ quan đại diện Mỹ trong tương lai. Vấn đề khiến ông lo ngại là liệu các đại diện ngoại giao của Mỹ sẽ tiếp tục các hành động bất hợp pháp, như đào tạo nhà báo độc lập, dù ở tại trụ sở của Sina  (Cơ quan đại diện quyền lợi Mỹ tại Cuba, được thành lập từ năm 1977) hay tại nhà riêng của họ hay không. Ông phản đối cách hành xử trên vì cho rằng cần phải tôn trọng các công ước quốc tế về ngoại giao, như Công ước Vienna năm 1961.

Theo RFI

;
.
.
.
.
.
.