Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định, Tehran sẽ không tham gia đàm phán hạt nhân nếu nước này bị đe dọa quân sự.
Trưởng đoàn đàm phán của EU, bà Helga Schmid và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghch tại cuộc đàm phán ở Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 26-3-2015. Ảnh: AFP |
Đàm phán về thỏa thuận xung quanh chương trình hạt nhân của Iran sẽ được nối lại vào ngày 12-5 tới tại Vienna (Áo). Theo đó, Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid cùng những người đồng cấp Iran Abbas Araqchi và Majid Takht Ravanchi sẽ nối lại đàm phán vào ngày 12-5. Các nhà đàm phán của nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) sẽ tham gia đàm phán vào ngày 15-5. Đàm phán lần này nhằm tìm kiếm thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót (ngày 30-6), sau khi các bên đã đạt được thỏa thuận khung hôm 12-4 vừa qua tại Lausanne (Thụy Sĩ) về chương trình hạt nhân của Iran.
Trong lúc có những nghi ngại về khả năng đạt được một thỏa thuận cuối cùng, ngày 6-5, lãnh đạo tối cao Iran Khamenei cho rằng, việc tổ chức đàm phán cùng các cường quốc dưới cái bóng của sự đe dọa là điều không thể chấp nhận được với Tehran. “Đất nước chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này… Sự đe dọa quân sự sẽ không giúp ích cho đối thoại”, truyền hình Press TV của Iran dẫn lời ông Khamenei nhấn mạnh.
Hãng AFP cũng dẫn lời ông Khamenei cho hay, gần đây hai quan chức Mỹ đã đe dọa hành động quân sự chống lại Iran. “Đàm phán có nghĩa gì dưới cái bóng của sự đe dọa?”, ông nói. Song, nhà lãnh đạo tối cao Khamenei không cho biết cụ thể về mối đe dọa mà ông đề cập, chỉ nhắc đi nhắc lại rằng, “giới hạn đỏ” phải được tôn trọng và các nhà đàm phán của Iran sẽ không chấp nhận sự áp đặt, sỉ nhục, đe dọa.
Chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nói rằng, kỷ nguyên trừng phạt và gây sức ép cho nước ông đã chấm dứt. Theo ông, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng chỉ có thể đạt được nếu các nước tham gia đàm phán có thái độ dứt khoát và quyết tâm.
Trong khi đó, theo Reuters, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, Washington muốn chắc chắn bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào giữa Iran và các cường quốc cũng bao gồm khả năng khôi phục các biện pháp trừng phạt nếu Tehran vi phạm giao ước, mà không e ngại quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc. Thực tế, Iran muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ngay lập tức nhưng phương Tây chỉ nới lỏng khi Tehran tôn trọng cam kết. Mỹ và châu Âu muốn các biện pháp trừng phạt dù được dỡ bỏ nhưng cũng sẽ tự động có hiệu lực trở lại; Nga và Trung Quốc không thích biện pháp tự động như thế.
Iran và các cường quốc hiện nỗ lực vượt qua những bất đồng, nghi ngại. Song, các nhà ngoại giao phương Tây vẫn cho rằng, còn khoảng cách khá xa để tiến tới thỏa thuận cuối cùng; nguyên nhân là sự không thống nhất xung quanh việc trừng phạt, giám sát và các vấn đề khác.
“Cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một vấn đề khó”, một nhà ngoại giao phương Tây phát biểu với Reuters bên lề Hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đang diễn ra ở New York (Mỹ). Khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Iran là điều dễ dàng.
Tuy nhiên, không dễ khôi phục được các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Hơn nữa, cũng trong ngày 6-5, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham tuyên bố Tehran sẽ không bao giờ chấp nhận việc thanh sát bất thường các cơ sở hạt nhân của nước này theo một thỏa thuận hạt nhân trong tương lai.
Đến nay, Iran vẫn khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ mang mục đích hòa bình và bác bỏ các cáo buộc của phương Tây về việc Tehran sản xuất vũ khí nguyên tử. Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo luôn chỉ trích việc cấm vận là bất hợp pháp và tìm cách hủy bỏ sự áp đặt này.
PHÚC NGUYÊN