.

Đối thoại Shangri-La bàn thảo vấn đề Biển Đông

.

Căng thẳng trên Biển Đông sẽ là nội dung chính được bàn thảo tại diễn đàn an ninh châu Á diễn ra ở Singapore (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) từ ngày 29 đến 31-5.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ảnh: EPA
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ảnh: EPA

Với việc công bố video cho thấy Trung Quốc đang bồi đắp đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và đoạn âm thanh cảnh cáo máy bay Mỹ vào ngày 20-5, Washington đang thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông, đồng thời muốn các đối tác châu Á có lập trường thống nhất hơn và phản ứng đối với hành động của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter dự kiến đưa vấn đề này ra Đối thoại Shangri-La. Đặc biệt, tại diễn đàn an ninh thường niên có sự tham dự của các quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc. Cụ thể, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dẫn đầu đoàn đại biểu 29 thành viên đến dự Đối thoại Shangri-La.

Hãng Reuters ngày 28-5 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, hành động thống nhất hơn của các đối tác, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN, cần diễn ra sớm. Tháng trước, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông làm xói mòn niềm tin và có thể hủy hoại hòa bình ở khu vực.

Trên đường đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La, phát biểu tại Honolulu (bang Hawaii, Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nhắc lại yêu cầu của Washington rằng, Trung Quốc phải ngừng việc bồi đắp đảo trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi ngừng quân sự hóa để tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.

Theo ông, chiến dịch của Trung Quốc trong việc bồi lấp các bãi đá, rạn san hô ở Biển Đông là “bước đi nằm ngoài sự nhất trí” của khu vực. Ông chủ Lầu Năm Góc lý giải, chính hành động đó của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực xích lại gần nhau và tìm kiếm sự can dự ngày càng gia tăng của Mỹ. “Các hành động của Trung Quốc đang khiến các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau theo các cách mới.

Họ đang mong muốn sự can dự nhiều hơn của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ đáp ứng điều đó. Chúng tôi vẫn sẽ là cường quốc an ninh quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương trong những thập niên tới”, ông Carter nói.

Hãng AP cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Carter cũng bảo vệ mạnh mẽ quyền của Mỹ được cho máy bay hoạt động ở không phận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp trái phép. “Không có lỗi gì ở đây, Mỹ sẽ thực hiện các chuyến bay và cho tàu chiến hoạt động ở bất kỳ nơi đâu mà luật quốc tế cho phép”, ông Carter nhấn mạnh.

Việc Hải quân Trung Quốc ngày 20-5 liên tục đưa ra cảnh báo và yêu cầu máy bay do thám P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ rời không phận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở Biển Đông làm dấy lên căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Giới chức Mỹ còn cho hay, Trung Quốc đã bồi đắp thêm 800ha tại 5 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa, trong đó có 607ha kể từ đầu năm nay. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Mỹ đang giám sát cẩn thận hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực cùng việc Bắc Kinh ráo riết cải tạo đất ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ngày 28-5, phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bảo vệ việc xây các đảo nhân tạo và cáo buộc Mỹ đang khuấy động căng thẳng trong khu vực. Thậm chí, bà Hoa Xuân Oánh còn gọi hành động của Mỹ là “khiêu khích và gây rối”.  

Sau chặng dừng chân ở Singapore, ông Carter sẽ đến thăm Việt Nam và Ấn Độ.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 28-5, tại Hà Nội, về việc Trung Quốc xây dựng hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc.

Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.