.
HẬU ĐỘNG ĐẤT Ở NEPAL

Những "đứt gãy" trong bang giao

.

Là quốc gia thuộc diện nghèo nhất châu Á, Nepal quả thực không kham nổi việc giải quyết thảm họa động đất lớn nhất trong hơn 80 năm qua với 7.276 người thiệt mạng.

Binh lính Ấn Độ lên máy bay tới cứu hộ tại Nepal.  		                      Ảnh: AP
Binh lính Ấn Độ lên máy bay tới cứu hộ tại Nepal. Ảnh: AP

Ngay cả khi phải đối mặt với hậu quả của trận động đất kinh hoàng, chính phủ Nepal vẫn từ chối tiếp nhận đoàn công tác cứu hộ của Đài Loan.

Trong khi đó, ở nước Mỹ, trong lời chia buồn gửi tới những nạn nhân của trận động đất tại Nepal cùng một số ít người bị ảnh hưởng tại Ấn Độ và Bangladesh, Thư ký báo chí của Nhà Trắng “quên” đề cập những thương vong ở khu vực Tây Tạng, thuộc biên giới Trung Quốc, giáp ranh Ấn Độ.

Nepal rơi vào thế khó

Hãng tin AP trích dẫn câu chuyện của phóng viên Todd Pitman kể việc một bé gái 12 tuổi dần kiệt sức và qua đời khi lực lượng cứu hộ nước này không có đủ dụng cụ đào bới đống đổ nát để kịp thời cứu cô bé. Nhưng ngày 27-4, truyền thông Đài Loan cho biết, Nepal đã từ chối tiếp nhận đoàn công tác 20 người đi cùng cả chó cứu hộ.

Khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nepal Andrew Kao cho biết, nước ông quyết định ưu tiên những trợ giúp từ các nước láng giềng. Ông lấy lý do đường sá xa xôi và việc thiếu đường bay thẳng cũng như các mối quan hệ ngoại giao trực tiếp giữa hai nước để biện minh cho việc từ chối.

Song, theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, lý do thực sự không phải vậy. Họ cho rằng, Nepal từ chối Đài Loan vì sợ nếu nhận giúp đỡ thì sẽ làm tổn hại mối quan hệ với người bạn lớn Trung Quốc.

Ông J. Michael Cole, chuyên gia nghiên cứu cao cấp sống tại Đài Bắc của Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham cho rằng, có thể phía Bắc Kinh không hề đặt ra yêu cầu ngặt nghèo về việc từ chối giúp đỡ này. Ông lý giải: “Tuy nhiên, từ mối quan hệ thân thiết giữa Kathmandu và Bắc Kinh, căn cứ những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào Nepal những năm gần đây, một số quan chức Nepal có thể nghĩ rằng, cần chứng tỏ việc họ hết sức ủng hộ quan điểm “một Trung Quốc”. Tôi nghĩ động lực này cũng khá giống với hình thức tự kiểm duyệt”.

Sau những tin tức mang tính phản ứng với chính phủ Nepal, ngày 28-4 vừa qua, hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan cho biết, đoàn tìm kiếm cứu hộ (SAR) gồm 37 người từ một tổ chức cứu trợ và Hội Chữ thập đỏ Đài Loan đã lên đường tới Nepal qua ngã Hong Kong. Chính phủ Đài Loan cam kết hỗ trợ tài chính 300.000 USD.

Những tiền lệ và cấm kỵ

Đài Loan từng giúp đỡ và quyên góp hỗ trợ Trung Quốc sau trận động đất xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên năm 2008. Năm 2011, máy bay C-130 của Đài Loan cũng đã vượt một hành trình dài hơn rất nhiều so với đến Nepal để mang hàng cứu trợ tới Haiti sau một thảm họa động đất.

Ông J. Michael Cole lưu ý thêm 2 tiền lệ khác: Năm 1999, Bắc Kinh từng gửi yêu cầu giúp đỡ tới Đài Loan sau một trận động đất lớn tác động lên toàn Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đã không cho máy bay chở hàng cứu trợ nhân đạo của Nga bay vào không phận của mình.

Một lần nữa vấn đề địa chính trị lại trở thành vật cản đường khi ngày 28-4, chính phủ Nepal yêu cầu một đội cứu hộ của Ấn Độ không tiến hành hoạt động giải cứu ở khu vực có thể phải bay qua vùng Rasuwa, giáp ranh với Tây Tạng, và cũng không được bay qua không phận của Trung Quốc. Báo Annapurna Post cho biết, Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về các hoạt động cứu hộ gia tăng của quân đội Ấn Độ tại những khu vực giáp ranh với Trung Quốc.

Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại Kathmandu. Một số nhà quan sát cho rằng, chính sự cạnh tranh giữa hai “ông lớn” đã khiến họ tăng cường hoạt động hỗ trợ Nepal nhiều hơn bình thường. Nhưng điều đó đang gây khó cho Nepal trong việc điều phối công tác giảm nhẹ hậu quả sau thiên tai.

Ứng xử của Thư ký báo chí Nhà Trắng

Tại Mỹ, giới quan sát cho rằng đã có một chuyện lạ lùng khó hiểu trong cách hành xử của chính quyền nước này trước thảm họa động đất ở Nepal. Theo tờ Politico, ngày 27-4, Thư ký Nhà Trắng Josh Earnest “đã có một thiếu sót đáng kể” khi ông gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng không chỉ ở Nepal mà còn ở Ấn Độ và Bangladesh, nhưng lại… “quên” không nói tới Tây Tạng. Tờ Politico lưu ý, trong khi ở Bangladesh chỉ có 2 người thiệt mạng thì ở Tây Tạng có tới 20 trường hợp tử vong được ghi nhận.

Phải chăng ông Earnest quên mất điều đó? Hay đó là sự lỡ lời?

Tây Tạng (Tibet) và Đài Loan (Taiwan) là 2 trong số “3 chữ ‘T’” mà những người nước ngoài khi đến Trung Quốc được khuyên không nên nói tới. Chữ “T” thứ 3 là “Thiên An Môn” (Tiananmen). Tờ Washington Post cho rằng, có lẽ, 2 chữ “T” đầu tiên cũng đã trở thành vấn đề cấm kỵ với một số người khi nói về trận động đất và những hậu quả của nó ở Nepal hiện nay.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.