Trung tâm Chiến dịch khẩn cấp quốc gia Nepal ngày 3-5 cho biết, số người chết do động đất đã lên đến 7.057 người, ngoài ra còn có hơn 14.100 người khác bị thương. Nepal ước tính cần 2 tỷ USD để tái thiết đất nước.
Trẻ em Nepal tại khu tị nạn Tundikhel, thuộc thủ đô Kathmandu.Ảnh: THX |
Tang thương đang bao phủ Nepal khi số người chết vẫn không ngừng tăng lên. Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra vào ngày 25-4 vừa qua là thảm họa với quốc gia Nam Á này. Ít nhất 70.000 ngôi nhà bị phá hủy, 530.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Tổng cộng khoảng 500.000 người dân Nepal phải trải qua những đêm ở ngoài trời trong cảnh màn trời chiếu đất với nỗi lo sợ động đất có thể tiếp diễn hoặc dư chấn có thể làm sập những ngôi nhà còn lại.
Thêm 6 thi thể người nước ngoài, 45 thi thể người Nepal được tìm thấy, nâng tổng số người chết tính đến chiều 3-5 là 7.057 người.
Hy vọng có thêm người sống sót mong manh
Hãng UPI cho biết, giới chức Nepal đã loại trừ khả năng tiếp tục tìm được người sống sót còn mắc kẹt dưới đống đổ nát với tuyên bố rằng hy vọng tìm thấy người sống sót là điều mong manh. Bộ trưởng Nội vụ Laxi Dhakal cũng xác nhận điều này. Tuy nhiên, thân nhân những người mất tích không từ bỏ hy vọng.
Số phận hàng nghìn người mất tích vẫn là dấu hỏi lớn. Riêng tại quận Rasuwam, cách Kathmandu 60km về phía bắc, còn 200 người mất tích. Khu vực này đã chịu thêm một trận lở đất ngay sau động đất. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) ở Nepal cho biết vẫn chưa rõ tung tích của 1.000 người châu Âu.
Điều đáng nói là khi các hoạt động cứu hộ vẫn diễn ra, chính phủ Nepal bị chỉ trích về việc đã ngăn chặn các nỗ lực của tư nhân đưa hàng cứu trợ đến những khu vực xa xôi, hẻo lánh và cản trở hàng cứu trợ vào nước này. Có nhiều thông tin cho biết, hàng viện trợ nước ngoài bị ngăn lại tại sân bay nhỏ ở Kathmandu và một số hàng hóa bị gửi trả lại.
Đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Nepal là Jamie McGoldrick chỉ trích gay gắt việc kiểm tra hải quan khiến hàng hóa cứu trợ ứ đọng ở sân bay Kathmandu, đồng thời thúc giục nước này nới lỏng việc kiểm soát hải quan. Song, Bộ trưởng Tài chính Nepal Suman Prasad Sharma bác bỏ cáo buộc chính phủ đánh thuế một số hàng viện trợ. “Chúng tôi không gửi trả lại cái gì. Các cáo buộc hoàn toàn thiếu trách nhiệm”, vị quan chức này nói với báo The Guardian.
Máy bay quân sự và các binh sĩ Mỹ đã đến Nepal vào ngày 3-5, chậm một ngày so với dự kiến, để đưa hàng cứu trợ đến các khu vực bị thiệt hại bên ngoài Kathmandu. Song, cũng trong ngày 3-5, Nepal đóng cửa sân bay quốc tế duy nhất dành cho các máy bay cỡ lớn chở hàng viện trợ và nhân viên cứu trợ khi đường băng duy nhất của sân bay không thể tải được lưu lượng lớn máy bay loại này. Riêng các máy bay cỡ vừa và nhỏ sẽ vẫn được phép hạ cánh.
Chạy đua với thời gian
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo một cuộc đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, nơi ước tính có 1,7 triệu trẻ em đang sinh sống. Theo UNICEF, sức khỏe và tinh thần của trẻ em bị ảnh hưởng trong thảm họa “đang nằm trên bàn cân”, bởi nhiều em đang vô gia cư, không được chăm sóc cơ bản và sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh dịch như dịch tả và tiêu chảy.
Thậm chí, Rownak Khan, phó đại diện UNICEF ở Nepal, cho rằng động đất đã gây ra sự hủy diệt chưa từng có ở Nepal và gọi đây là “môi trường hoàn hảo để dịch bệnh phát sinh”. Ông Khan cho biết, các bệnh viện tràn ngập nạn nhân, nước khan hiếm, nhiều thi thể vẫn bị vùi trong đống đổ nát và người dân vẫn phải ngủ ngoài trời.
Theo Reuters, LHQ ước tính 8 triệu người trong số 28 triệu dân Nepal bị ảnh hưởng động đất. Trong đó, ít nhất 2 triệu người cần lều, bạt, nước uống, thực phẩm và thuốc men trong vòng 3 tháng tới.
Một vấn đề khác lo ngại trong lúc này là động đất gây tổn hại nặng nề cho kinh tế Nepal, khi ngành du lịch cung cấp 7% việc làm và chiếm 8% nền kinh tế. Ước tính ban đầu cho thấy, với thảm họa lần này, Nepal tổn thất từ 1-10 tỷ USD. Song, nhiều nhà phân tích khác lại cho rằng, còn quá sớm để nói đến thiệt hại.
Giới chức Nepal cho biết, cần ít nhất 2 tỷ USD để tái thiết đất nước, nhất là khi 3/7 di sản thế giới tại thung lũng Kathmandu bị phá hủy, trong đó có Quảng trường Durbar với các chùa và đền thời có từ thế kỷ 15-18.
PHÚC NGUYÊN