.

Malaysia "cấm cửa" 2 tàu chở 800 người tị nạn ngoài biển

.

ĐNĐT - Ngày 14-5, Malaysia tuyên bố, không cho phép cập bờ 2 chiếc tàu chở người tị nạn với hơn 800 người Hồi giáo Rohingya và Bangladesh, với lý do nước này không thể giải quyết điều kiện tốt cho họ.

Trong tuần, đã có gần 600 người Bangladesh và Rohingya được cứu sống và hỗ trợ lương thực, nước uống tại trại tị nạn Lhoksukon. Ảnh: AFP
Trong tuần, đã có gần 600 người Bangladesh và Rohingya được cứu sống và hỗ trợ lương thực, nước uống tại trại tị nạn Lhoksukon. Ảnh: AFP

Ngoài Malaysia, hai nước Indonesia và Thái Lan cũng tỏ ra không muốn cho phụ nữ, đàn ông và trẻ em trên các tàu tị nạn đó tá túc dù Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), các tổ chức quốc tế và các nhà hoạt động vì nhân quyền đã kêu gọi hỗ trợ.

Trong khi đó, vì lo sợ bị bắt, các thuyền trưởng có dính líu tới các mạng lưới buôn người trong mấy ngày qua đã bỏ rơi các con tàu trên eo biển Malacca và các vùng biển chung quanh, để lại những con tàu đầy người với ít nước uống và lương thực.

Khoảng 1.600 người đã được cứu sống nhưng ước tính, 6.000 người vẫn còn bị kẹt lại trên biển.

Phát biểu với AP, Thứ trưởng Nội vụ Malaysia, Janaidi Jaafar cho biết, Malaysia đã đối xử rất tốt và nhân đạo với những người thâm nhập trái phép vào lãnh thổ nước này nhưng họ không thể tràn lên bờ biển của Malaysia như thế này.

“Chúng tôi phải phát đi tín hiệu đích thực rằng, họ không được chào đón ở đây và họ phải trở lại nơi từ đó họ ra đi”, ông Jaafar nói.

Indonesia cũng lờ đi câu chuyện này sau khi đã cứu sống 600 người trên biển. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 13-5 đã bác bỏ rằng, họ “đẩy lùi” tàu chở người ra khỏi vùng biển của mình và cho rằng, tàu hướng về Malaysia đã trôi vào vùng biển của mình một cách tình cờ.

Ông Jaafar cho rằng, các chính phủ Đông Nam Á phải làm hơn nữa để thúc ép Myanmar giải quyết cuộc khủng hoảng với người Rohingya. “Các bạn nói về dân chủ nhưng các bạn đừng đối xử với công dân của mình như cỏ rác, như tội phạm đến nỗi họ phải chạy tới đất nước của chúng tôi”, ông nói.

Hiện tại, mặc dù không là bên ký kết các hiệp định về người tị nạn nhưng Malaysia đã phải chứa hơn 150.000 người di cư và tị nạn, đa số là từ Myanmar. Trong đó, hơn 45.000 người là người Rohingya, theo Tổ chức Di cư Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, theo Phó Phụ trách về Giám sát nhân quyền châu Á, ông Philippine Robertson, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã làm cho cuộc khủng hoảng người Rohingya thêm trầm trọng “với chính sách lạnh lùng nhằm đẩy đuổi làn sóng người tị nạn mới này ra biển, đưa hàng ngàn người vào chỗ nguy hiểm”.

UNHCR cho biết, vài ngàn người tị nạn đã bị bỏ rơi ngoài biển bởi những kẻ buôn người sau một cuộc trấn áp buôn người của Thái Lan và đã cảnh báo rằng, tình hình có thể tồi tệ hơn thành một “cuộc khủng hoảng nhân đạo khổng lồ”.

Cuộc trấn áp đó đã làm những kẻ buôn người sợ phải dạt vào Thái Lan, một điểm đến hấp dẫn đối với mạng lưới buôn người trong khu vực và dẫn tới việc người tị nạn tràn lên bờ biển Indonesia và Malaysia.

Quang Hiển (Theo Bangkokpost, CNA)

;
.
.
.
.
.