.

Mỹ, Nhật, Hàn gây sức ép với Triều Tiên

.

Các đặc sứ về hạt nhân của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thống nhất gia tăng sức ép, trong đó có việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao.

Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara (trái), Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Hwang Joon-kook (giữa) và đặc phái viên Mỹ tại bán đảo Triều Tiên Sung Kim gặp gỡ ở Seoul. 					 	         Ảnh: AP
Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara (trái), Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Hwang Joon-kook (giữa) và đặc phái viên Mỹ tại bán đảo Triều Tiên Sung Kim gặp gỡ ở Seoul. Ảnh: AP

Cuộc đối thoại giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc - cũng là 3 trong số các nước tham gia đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên - diễn ra trong 3 giờ đồng hồ tại thủ đô Seoul ngày 27-5.

Hãng AFP cho biết, phát biểu với báo giới ở Seoul trước khi tiến hành đàm phán 3 bên, đặc phái viên Mỹ tại bán đảo Triều Tiên Sung Kim, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Hwang Joon-kook và Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara đều nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của tiến trình CHDCND Triều Tiên mở rộng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. “Chúng tôi thống nhất về tầm quan trọng trong việc gia tăng áp lực và trừng phạt lên CHDCND Triều Tiên, ngay cả khi chúng tôi vẫn mở cánh cửa ngoại giao”, ông Sung Kim nói.

Vấn đề mà Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đề cập là khả năng nối lại các cuộc đàm phán 6 bên vốn bị bế tắc suốt thời gian dài (từ tháng 12-2008 đến nay) nhằm thúc giục CHDCND Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Ông Sung Kim cho rằng, việc Bình Nhưỡng mới đây thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) là điều đáng lo ngại. “Lo ngại lớn đối với chúng ta là CHDCND Triều Tiên đang theo đuổi những khả năng như thế”, nhà ngoại giao của Mỹ nhấn mạnh. Trong khi đó, theo ông Hwang Joon-kook, việc Bình Nhưỡng thử SLBM là hành vi vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc. Vị đặc sứ Hàn Quốc thúc giục nước láng giềng CHDCND Triều Tiên tham gia đàm phán một cách chân thành và cảnh báo rằng, sự cô lập về ngoại giao sẽ sâu sắc hơn nếu Bình Nhưỡng càng cố theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo AP, triển vọng về việc sớm nối lại các cuộc đàm phán về giải giáp hạt nhân rất mong manh, nhất là khi CHDCND Triều Tiên không những thử thành công SLBM mà còn tuyên bố hiện có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Đổi lại, quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên sẽ nhận được viện trợ và những nhượng bộ chính trị nhất định. Washington và các đồng minh muốn Bình Nhưỡng trước hết phải thể hiện thiện chí bằng những cam kết về hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng yêu cầu Washington và các đồng minh phải công nhận nước này là cường quốc vũ khí hạt nhân - điều mà giới phân tích cho rằng sẽ làm tiến trình ngoại giao thúc đẩy nối lại đàm phán trở nên khó khăn và phức tạp. Ngoài Mỹ, Nhật, Hàn, 3 thành viên còn lại liên quan đàm phán 6 bên là CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.

Cuối tuần này, các đặc sứ Mỹ và Hàn Quốc sẽ đến thủ đô Bắc Kinh để có các cuộc gặp riêng với người đồng cấp Trung Quốc. Bắc Kinh là đồng minh lớn và cũng là nhà bảo trợ lớn của Bình Nhưỡng. Washington và Seoul muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ những tham vọng hạt nhân. Theo ông Sung Kim, với tư cách là đồng minh của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Song, quan hệ giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên trở nên nguội lạnh kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch cường quốc châu Á vào năm 2012 và ông Kim Jong-un nắm quyền thay người cha qua đời vào cuối năm 2011.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.