.

Mỹ tính đưa tàu, máy bay quân sự đến gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông

.

Lầu Năm Góc đang xem xét đưa máy bay quân sự và các tàu của Mỹ để khẳng định tự do hàng hải xung quanh khu vực Trung Quốc đang tiến hành xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo một cách nhanh chóng ở Biển Đông, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, một quan chức Mỹ hôm 12.5 cho biết.

Hình ảnh chụp từ trên không qua cửa sổ một máy bay quân sự Philippines cho thấy Trung Quốc cải tạo đất phi pháp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông hôm 11.5.2015.
Hình ảnh chụp từ trên không qua cửa sổ một máy bay quân sự Philippines cho thấy Trung Quốc cải tạo đất phi pháp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông hôm 11.5.2015.

Quan chức trên cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đề xuất các lựa chọn, bao gồm việc đưa các tàu quân sự và máy bay của Mỹ đến khu vực trong phạm vi 12 hải lý (tương đương 22km) quanh khu vực các bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang cải tạo ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để chứng tỏ tự do hàng hải trong một khu vực vốn rất quan trọng với thương mại toàn cầu”, quan chức giấu tên của Mỹ nói, đồng thời nhấn mạnh, bất cứ lựa chọn nào cũng cần được Nhà Trắng chấp thuận.

Trước đó, đề xuất của Bộ trưởng Carter cũng được tờ Wall Street Journal đưa tin sớm nhất hôm 12.5.

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng vẫn chưa có bình luận nào về vấn đề này.

Những động thái hung hăng thời gian gần đây của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông không chỉ khiến các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế quan ngại.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên khẳng định chủ quyền của mình ở vùng biển giàu tài nguyên này. Phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc, ông Zhu Haiquan tuyên bố, Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận quần đảo này". Ông Zhu còn nói rằng, hoạt động xây dựng của Trung Quốc là "hợp lý và hợp pháp”.

Đại diện đại sứ quán Trung Quốc bày tỏ, nước này hy vọng “các bên có liên quan” – đề cập đến Mỹ và các nước khác – tôn trọng các cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời “kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng”.

Việc đưa các tàu và máy bay quân sự đến gần các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo bất hợp pháp ở Biển Đông phù hợp với hoạt động “Tự do hàng hải” của quân đội Mỹ, được tiến hành từ năm ngoái để phản ứng với đòi hỏi chủ quyền trên biển của 19 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.

Trung Quốc bị Nhật Bản và Mỹ lên án hồi năm 2013 khi đơn phương áp đặt một Vùng nhận dạng phòng không  (ADIZ) ở vùng Biển Hoa Đông, trong đó máy bay bay qua đây phải khai báo với các nhà chức trách Trung Quốc.

Theo Lao Động

;
.
.
.
.
.