.

Nga - Trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác

.

Cuộc tập trận chung “Joint Sea-2015” (Liên hợp trên biển 2015) kéo dài 11 ngày tại Địa Trung Hải của lực lượng hải quân Trung Quốc và Nga được giới quan sát xem như động thái cho thấy quan hệ bang giao giữa 2 nước đã và đang tiến thêm những bước mới.

Lễ khai mạc chương trình tập trận chung “Joint Sea-2015” tại Novorossiysk (Nga). 							        Ảnh: THX
Lễ khai mạc chương trình tập trận chung “Joint Sea-2015” tại Novorossiysk (Nga). Ảnh: THX

Ngày 11-5, tại thành phố cảng miền nam nước Nga Novorossiysk diễn ra lễ khai mạc đợt tập trận quân sự chung quy mô lớn của hải quân Trung Quốc và Nga - lần tập trận chung thứ tư kể từ lần đầu năm 2012. Theo đó, tập trận kéo dài từ ngày 11-5 đến 21-5 tại Địa Trung Hải với sự tham gia của 9 chiến hạm cao cấp của hải quân hai nước.

Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) điều 2 chiếc khinh hạm lớp Type 54A (Jiangkai II) nặng 4.000 tấn, Linyi (số hiệu 574) và Weifang (số hiệu 547). Đây chính là 2 chiến hạm của Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử được đưa tới thành phố Novorossiysk tham gia lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng phát-xít Đức, kết thúc Thế chiến thứ hai vào cuối tuần qua.

Trong khi đó, theo hãng Interfax của Nga, nước này điều tàu tuần tra Pytlivy, tàu tên lửa đệm khí Samum và lực lượng quân nhân thuộc đơn vị đồn trú tại Novorossiysk tham gia tập trận.

Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Phó đô đốc Đỗ Cảnh Thần công bố trên trang web của Bộ Quốc phòng nước này rằng, đợt tập trận 11 ngày chia thành 4 giai đoạn. Hai ngày đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị. Tiếp đó, từ đêm 12-5 đến ngày 17-5, hải quân hai nước sẽ tập kết lực lượng tại Địa Trung Hải. Các hoạt động tập trận với những nội dung thực hành công tác phòng ngự, tiếp tế trên biển, hộ tống tàu thuyền, bắn đạn thật… sẽ diễn ra từ ngày 18-5 đến 21-5.

Chia sẻ thông tin với China News, ông Zhang Junshe, học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho biết lần tập trận chung này liên quan các hoạt động thao tập chống tàu ngầm, phòng không, kích hoạt tên lửa chống hạm để lực lượng hải quân hai nước tăng cường khả năng đối phó với các nguy cơ tấn công từ trên không và trên biển.

Ông Zhang Junshe nhận định: “Khả năng chống máy bay là một thành phần của chiến tranh truyền thống. Điều này đòi hỏi hai bên tham gia tập trận phải sẵn sàng chia sẻ những thông tin tình báo thu thập được từ hệ thống radar và hệ thống dò tìm dưới nước. Và như thế cần có mức độ tin cậy lẫn nhau rất cao giữa hai nước”. Theo Global Times (Thời báo Hoàn Cầu), mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Mátxcơva đã tiến lên những mốc cao hơn sau một loạt các hoạt động trao đổi quân sự cấp cao gần đây.

Ngày 10-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rằng, một lực lượng binh sĩ Nga sẽ tham gia lễ diễu binh mừng chiến thắng kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới. Hãng thông tấn Sputnik của Nga cũng đã đưa tin này.

Trước đó, trong lễ diễu binh kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva, cùng với sự kiện chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga trong 3 ngày, 112 binh sĩ thuộc PLA cũng đã góp mặt trong lực lượng tham gia diễu binh hôm đó.

Wang Haiyun, nguyên tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Mátxcơva nói: “Các hoạt động trao đổi quân sự là những khía cạnh nhạy cảm nhất trong bất cứ mối quan hệ ngoại giao song phương nào.

Các cuộc tập trận trên Địa Trung Hải cho thấy Trung Quốc và Nga đã tin tưởng nhau trong lĩnh vực quân sự và sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác”. Cũng theo ông Wang, việc quân đội Nga tham gia diễu binh tại Trung Quốc vào tháng 9 tới là sự kiện mang tính bước ngoặt vì đó là lần đầu tiên một lực lượng quân đội nước ngoài tham dự lễ diễu binh trên lãnh thổ Trung Quốc.

Điều này cho thấy sự tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác quân sự. “Cả Trung Quốc và Nga đều đang phải đối mặt với những nguy cơ mới trong bối cảnh hiện tại và những đóng góp trong quá khứ của hai nước thời Thế chiến thứ hai đều bị phương Tây cố tình hạ thấp giá trị. Do đó, giữa hai nước có nhu cầu đoàn kết và tương trợ lẫn nhau”, ông Wang nói.

Học giả Wu Enyuan thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc một mặt đồng tình với quan điểm cho rằng, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã đạt tới tầm cao mang tính lịch sử, nhưng mặt khác cũng nhận định: Quan hệ đó sẽ không phát triển thành quan hệ theo kiểu đồng minh chính thức của nhau vì Trung Quốc luôn giữ quan điểm đa dạng trong quan hệ bang giao với các nước trên thế giới.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn vàng quốc gia Trung Quốc (doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng lớn nhất Trung Quốc) đã công bố vừa ký kết thành công hợp đồng làm ăn với Polyus Gold, doanh nghiệp khai thác vàng lớn nhất tại Nga. Đây chỉ là một trong nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết giữa Trung Quốc và Nga ở các lĩnh vực năng lượng, giao thông, vũ trụ, tài chính và truyền thông đạt được trong chuyến thăm của ông Tập tới Nga những ngày qua.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.