Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, việc nội các nước này thông qua dự luật mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ (SDF) sẽ thúc đẩy trách nhiệm của Tokyo trong vấn đề an ninh và giảm nguy cơ chiến tranh.
Nhiều người tuần hành bên ngoài văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe, phản đối việc mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản. Ảnh: AP |
Ngày 14-5, nội các Nhật Bản thông qua dự luật về an ninh, mở rộng đáng kể quy mô các hoạt động của SDF ở nước ngoài, trong đó có việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, bảo vệ các đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Động thái này mở đường cho chính phủ Nhật đệ trình 2 dự luật lên Quốc hội, dự kiến vào hôm nay (15-5). Thủ tướng Shinzo Abe cũng xác nhận sẽ trình dự luật lên Quốc hội.
Hãng AFP cho biết, dự luật cho phép SDF cung cấp hỗ trợ hậu cần cho quân đội nước ngoài trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Và đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai quân đội Nhật có thể tham chiến ở nước ngoài.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau động thái của nội các, Thủ tướng Abe bác bỏ mối quan ngại rằng, chính sách mới làm gia tăng nguy cơ Nhật liên quan đến các cuộc chiến tranh thông qua liên minh với Mỹ. Trái lại, ông Abe nói rằng, việc mở rộng vai trò của SDF sẽ giúp thúc đẩy khả năng ngăn chặn và giảm nguy cơ chiến tranh. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cũng khẳng định: “Việc bảo vệ hòa bình và tính mạng của người dân là trách nhiệm quan trọng nhất”.
Tuy nhiên, dự luật - hay nói cách khác là việc viết lại Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, một chủ trương của Thủ tướng Abe - vấp phải sự phản đối của công chúng ở xứ sở hoa anh đào. Ngày 14-5, hàng trăm người tuần hành bên ngoài văn phòng của ông Abe ở Tokyo, cho rằng dự luật đẩy Nhật Bản trở lại chủ nghĩa quân phiệt. Những người có mặt trong đoàn tuần hành nhấn mạnh: việc mở rộng vai trò của SDF sẽ hủy hoại 70 năm Tokyo nỗ lực giành lòng tin của quốc tế về một đất nước chủ trương hòa bình.
Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản từ bỏ chiến tranh - theo Hiến pháp do Mỹ soạn thảo, trong đó cấm Tokyo dùng vũ lực làm phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe và chính phủ của ông cho rằng, quan điểm cũ sẽ khiến Nhật bị tổn thương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực và Tokyo nên được chuẩn bị tốt hơn để phòng vệ cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Với những người ủng hộ, dự luật nói trên là sự đóng góp chủ động cho hòa bình và là cách thức để Nhật Bản là “một nước bình thường”.
Song, các kết quả thăm dò cho thấy công chúng Nhật đang có hai quan điểm xung quanh việc viết lại Hiến pháp hòa bình. AP dẫn lời Giáo sư chính trị quốc tế Koichi Nakano tại Đại học Sophia ở Tokyo nhận định: Những thay đổi về chính sách an ninh “có vấn đề” bởi sẽ cho phép Thủ tướng cùng số ít lãnh đạo đưa ra các quyết định quan trọng, chẳng hạn việc đưa quân đội ra nước ngoài, mà không theo tiến trình quy định.
Khảo sát cho đài NHK của Nhật Bản cho thấy, 49% số người dân nước này không hiểu rõ những thay đổi của chính sách quốc phòng, 50% số người không ủng hộ việc mở rộng vai trò quân sự.
Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc đều bày tỏ lo lắng khi Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Bắc Kinh kêu gọi Tokyo “học những bài học của lịch sử”, còn Seoul thúc giục nước láng giềng vùng Đông Bắc Á này tuân thủ tinh thần Hiến pháp hòa bình.
Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản có thể nghiêm túc học những bài học lịch sử, nêu cao con đường phát triển hòa bình… và đóng vai trò xây dựng ở khu vực châu Á”.
Tại Seoul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il nói rằng, nước ông sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ biện pháp nào của Tokyo liên quan đến lợi ích quốc gia của Hàn Quốc và tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên mà không được Seoul đồng ý trước.
Thực tế, quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul đều “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do các vấn đề trong thời chiến, tranh chấp lãnh thổ và sự cạnh tranh trong khu vực.
THIÊN BÌNH