.

Những sự sống diệu kỳ

.

Trong lúc số người chết do động đất ở Nepal không ngừng tăng cao, chính phủ tuyên bố không thể tìm thấy thêm người nào sống sót, cả thế giới vẫn đang hướng về đất nước này và cầu mong phép màu sẽ xuất hiện.

Cậu bé 4 tháng tuổi Sonit Awal sống sót sau khi bị chôn vùi suốt 22 giờ trong đống đổ nát. Ảnh: Kathmandu Today/AP
Cậu bé 4 tháng tuổi Sonit Awal sống sót sau khi bị chôn vùi suốt 22 giờ trong đống đổ nát. Ảnh: Kathmandu Today/AP

Có những câu chuyện được xem là biểu tượng cho sự sống ở Nepal.

Cứu sống em bé 4 tháng tuổi

Phóng viên ảnh Amul Thapa của báo Kathmandu Today mỉm cười khi ông nghĩ đến hình ảnh mà có lẽ ông sẽ nhớ mãi trong niềm xúc động: các nhân viên cứu hộ đưa Sonit Awal, em bé 4 tháng tuổi ra khỏi một căn nhà đổ nát ở thị trấn Bhaktapur, phía đông thủ đô của Nepal. Em bé này đã bị chôn vùi suốt 22 giờ đồng hồ kể từ khi động đất 7,8 độ Richter xảy ra. Mặt và khắp người Sonit dính đầy bụi đất nhưng cơ thể vẫn lành lặn.

Ban đầu, Thapa nghe tiếng khóc của trẻ em. Sau đó, ông phát hiện một đứa trẻ bị kẹt dưới một thanh gỗ. Và 10 giờ ngày 26-4, các binh sĩ Nepal đã đưa được Sonit ra khỏi đống đổ nát. “Khi tôi thấy một đứa trẻ may mắn sống sót, mọi nỗi đau buồn dường như tan biến. Mọi người đã vỗ tay. Điều đó truyền cho tôi năng lượng và tôi mỉm cười”, nhà báo Thapa nói. Các xét nghiệm cho thấy Sonit không bị chấn thương nội tạng.

Lúc xảy ra động đất, chị gái 9 tuổi của Sonit đang trông em và cô bé này may mắn không bị thương. Cha mẹ của Sonit cũng không nghĩ các con mình còn sống.

Một điều kỳ diệu nữa là một em bé đã chào đời tại một trong những bệnh viện “dã chiến” giữa vùng tâm chấn động đất. AP cho biết, cả mẹ và bé đều khỏe mạnh. Bà mẹ trẻ này là Lata Chand, mới 19 tuổi. Khi xảy ra động đất, Lata cùng chồng hoảng sợ chạy ra khỏi nhà. Ngôi nhà của họ bị phá hủy nhưng ngay cả bệnh viện, nơi Lata dự kiến sinh nở, cũng phải đóng cửa. Lata đã đến bệnh viện “dã chiến” do quân đội Israel thiết lập để viện trợ khẩn cấp cho Nepal. Nữ hộ sinh Dganit Gery vui mừng nói rằng, sự ra đời của em bé gái này sẽ giúp tất cả phụ nữ Nepal cảm nhận niềm hy vọng trong tương lai. Trong khi đó, Hariender Chand, chồng của Lata, lo lắng động đất sẽ cướp đi cơ hội chào đời của con anh. “Bây giờ, chúng tôi đã an toàn. Thật là điều tốt lành”, Hariender nói.

Đấu tranh để sinh tồn

Đối với cậu bé Pempa Tamang (15 tuổi), đến bây giờ, em cũng không hiểu điều gì đã diễn ra. Em bị chôn vùi trong tòa nhà 7 tầng đổ nát của khách sạn Hilton ở Kathmandu suốt 5 ngày và chính em không biết mình còn sống hay đã chết. “Em cứ nghĩ em bị ảo giác”, Tamang cho biết.

Đội ứng phó thảm họa thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Nepal phải nỗ lực nhiều giờ mới cứu được Tamang. Đám đông hò reo sau khi cậu bé được giải cứu. Tamang kể rằng, em sống sót nhờ uống nước vắt từ quần áo ướt và những miếng bơ, bánh ngọt tìm thấy gần đó. Các bác sĩ cho hay, trường hợp của Pemba là một phép màu vì em không bị vết thương nghiêm trọng nào.

Tin tức này truyền đi, mang lại niềm hy vọng cho niều người. Hans Raj Joshi, một người dân Nepal, thấy hình ảnh Tamang được cứu sống đã chia sẻ rằng, cuộc sống trở thành cuộc đấu tranh để sinh tồn. Trường hợp của Rishi Khanal (28 tuổi) cũng vậy, được lực lượng cứu hộ cứu sống vào ngày 28-4. Anh không có đồ ăn, nước uống và ở chung với 3 người chết suốt 80 giờ trước khi được đưa ra khỏi tòa nhà 7 tầng đổ nát tại Kathmandu.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn

Ngày 1-5, tức 6 ngày sau thảm họa động đất xảy ra, một người đàn ông Nepal và một phụ nữ Pháp đã tổ chức lễ cưới tại thủ đô Kathmandu. AP cho rằng, điều này minh chứng cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Chú rể Dipesh Munakari và cô dâu Eugenie Prouvost.     Ảnh: AP
Chú rể Dipesh Munakari và cô dâu Eugenie Prouvost. Ảnh: AP

Cô dâu Eugenie Prouvost cho biết, việc tổ chức hôn lễ vào thời điểm này rất quan trọng để thể hiện sức sống bền bỉ của con người. “Tôi nghĩ chúng tôi đang mang lại niềm hy vọng rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn, và rằng chúng ta vẫn còn tình yêu, đoàn kết, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau”, Prouvost nói.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.