Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Mỹ muốn Trung Quốc giảm căng thẳng trên Biển Đông

07:41, 18/05/2015 (GMT+7)

Các vấn đề về Biển Đông là nội dung chủ đạo trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Trung Quốc ngày 16 và 17-5. Ông thúc giục Bắc Kinh hành động để giảm căng thẳng trên Biển Đông và tăng triển vọng tìm ra một giải pháp ngoại giao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AP

Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được các nhà quan sát đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, trong lúc này, giới truyền thông quốc tế đang lo ngại xảy ra cuộc đụng độ quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới nếu Mỹ triển khai tàu chiến và máy bay đến khu vực mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Reuters thậm chí cho rằng, chuyến thăm 2 ngày của nhà ngoại giao Mỹ “đầy sóng gió”.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Kerry, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Barack Obama và “đưa quan hệ Mỹ - Trung theo kiểu mẫu mới của quan hệ giữa các nước lớn”. “Theo quan điểm của tôi, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn ổn định”, ông Tập Cận Bình nói.

Reuters dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc và Mỹ nên giải quyết các tranh chấp theo cách không làm tổn hại đến mối quan hệ song phương. Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn đứng ngang hàng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Thực chất, sự hiện diện của Ngoại trưởng Kerry tại Trung Quốc lần này nhằm chuẩn bị cho Đối thoại Kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới tại Washington. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm Washington vào tháng 9. Song, các nội dung nghị sự của ông Kerry tại Trung Quốc đề cập vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng nên không có những cái gật đầu hay những cái bắt tay thật sự nồng ấm thường thấy trong các chuyến thăm mang tính ngoại giao. Ngày 16-5, trong cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Vương Nghị, Ngoại trưởng Kerry thúc giục Bắc Kinh hành động để giảm căng thẳng trên Biển Đông, tăng triển vọng tìm ra một giải pháp ngoại giao, đồng thời khẳng định quyết tâm “sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ các lợi ích của Washington trên Biển Đông. Ông Kerry dùng từ “sự ngoại giao thông minh” để nói đến giải pháp mà cả Trung Quốc lẫn ASEAN cần áp dụng để tiến tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông. Ông cho rằng, Trung Quốc và ASEAN cần “sự ngoại giao thông minh” hơn là “những tiền đồn và các đường băng quân sự”!  

Tuy nhiên, lời kêu gọi “giảm căng thẳng” đã bị ông Vương Nghị từ chối. Ngoại trưởng Trung Quốc viện dẫn quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Trung Quốc trong khu vực này “cứng như đá”. Ông Vương Nghị một lần nữa tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền” đối với các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Điều mà Mỹ quan ngại là quá trình cải tạo các bãi đá của Trung Quốc tại Biển Đông nhưng theo lời Ngoại trưởng Vương Nghị thì Bắc Kinh vẫn bất chấp phản ứng của quốc tế, không thay đổi quan điểm trong vấn đề chủ quyền.

Trước khi Ngoại trưởng Kerry đến Trung Quốc, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, thông điệp mang đến cường quốc hàng đầu châu Á lần này là ông sẽ làm giới chức Bắc Kinh không mảy may nghi ngờ về cam kết duy trì tự do hàng hải, thực hiện các quyền hợp pháp của Washington về tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Nhà Trắng đang cân nhắc việc triển khai máy bay và tàu quân sự để bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực xung quanh những đảo nhân tạo của Trung Quốc, hiện được mở rộng nhanh chóng ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, Mỹ muốn thể hiện lập trường dứt khoát rằng, Washington không chấp nhận hoạt động cải tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông.

PHÚC NGUYÊN

.